Vấn đề sử dụng phương ngữ trên sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh: Cần hạn chế hay phát huy?

Dân ca Ví Giặm là tài sản tinh thần mang đậm bản sắc địa phương của vùng Nghệ Tĩnh, việc kế thừa và phát huy vốn cổ quý báu đó được đặt ra như một tất yếu của lịch sử và là bổn phận thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của dân tộc. Sự tồn tại của Sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh hơn 60 năm qua chứng tỏ rằng Ví Giặm không chỉ được bảo tồn bằng con đường ca hát thuần túy mà còn phát triển mạnh mẽ theo hướng sân khấu hóa trở thành bộ môn nghệ thuật có giá trị cho nền sân khấu Việt Nam. Bên cạnh việc sáng tạo để thích nghi với xu thế phát triển chung của thời đại thì việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị riêng biệt của xứ Nghệ là hết sức cần thiết. Một trong những yếu tố làm nên giá trị riêng đó chính là phương ngữ.

Hiện nay sân khấu Nghệ Tĩnh đang có xu hướng ngày càng thu hẹp dần phạm vi sử dụng phương ngữ, và thay vào đó là giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông. Chỉ trừ những vở diễn và trích đoạn nhỏ phục vụ tại địa phương như: Hoa lửa Truông Bồn, Khoảng trời con gái, Một ông hai bà… mới sử dụng tiếng Nghệ, còn các vở lớn tham gia các hội diễn toàn quốc như: Vụ án Am Bụt Mọc, Quyền Uy và tội ác, Nước mắt đứa con út, Sóng dậy một vùng quê, Thầy và Trò… thì sử sụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ phổ thông. Nghĩa là sân khấu Nghệ Tĩnh đang phổ thông hóa tiếng Nghệ từ ngữ âm cho đến cách phát âm. Giao tiếp trên sân khấu bằng những câu hỏi “Cái chi rứa”, “đi mô đó”… bây giờ đổi thành “cái gì thế”, “đi đâu đấy”… các từ “mô”, tê” “răng”, “rứa”, “ni”, “nớ”… và kể cả âm sắc Nghệ trong giọng nói cũng ngày càng ít xuất hiện trên sân khấu hơn. Nguyên nhân cũng bởi phương ngữ xứ Nghệ có những hạn chế nhất định gây khó hiểu cho khán giả ở những vùng khác, trong khi các vở diễn đó không chỉ để phục vụ người Nghệ Tĩnh mà còn có khán giả trên toàn quốc thưởng thức nữa. Khán giả không phải người Nghệ Tĩnh nhiều khi sẽ không hiểu được tiếng Nghệ, mà khi đã không nắm được nội dung của lời kịch thì họ sẽ không cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật của tác phẩm.

Tuy nhiên, việc chúng ta chuẩn hóa tiếng địa phương và xây dựng những vở diễn sử dụng hoàn toàn bằng tiếng phổ thông cũng có nhiều bất cập. Bất cập đầu tiên chính là mất đi bản sắc địa phương, và âm sắc xứ Nghệ trong tác phẩm. Hơn nữa đây là sân khấu được phát triển từ dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh thì lại càng phải giữ gìn những giá trị độc đáo, đặc sắc của dân ca. Trước hết, Ví Giặm được sinh ra trên đất Nghệ, và chỉ người Nghệ Tĩnh mới hát được đầy đủ, trọn vẹn sắc thái của dân ca vùng này. Vốn từ địa phương được sử dụng trong dân ca Nghệ Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng bởi ngôn ngữ nói chung hay phương ngữ nói riêng được dùng trong đó là của nhân dân lao động Nghệ Tĩnh chứ không phải của cá nhân nhà văn nhà thơ nào. Ngôn ngữ được dùng để sáng tạo cũng chính là lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ cho nên ngôn ngữ trong các sáng tác này thường mang hơi thở mộc mạc chân chất của cuộc sống. Vì thế, cái hay, cái tinh tế của từ ngữ trong dân ca Ví Giặm không phải là do sự gia công chế tác của người sáng tạo mà trước hết ở chỗ nó phù hợp với đối tượng tiếp nhận là nhân dân lao động địa phương. Hay nói cách khác, tiếng Nghệ, giọng điệu ngôn ngữ xứ Nghệ là ngọn nguồn của các làn điệu dân ca xứ Nghệ.

Bên cạnh thói quen dùng từ địa phương mang tính tự nhiên bột phát thì cái riêng của dân ca Nghệ Tĩnh là ở chỗ sự lựa chọn dùng từ địa phương thay cho từ toàn dân trong rất nhiều trường hợp nhằm tạo nên giá trị về nội dung và nghệ thuật cho những sáng tác dân gian. Đặc biệt, biện pháp lặp cấu trúc trong hát Giặm là hai dòng cuối khổ lặp lại cấu trúc và gần như toàn bộ các từ, người ta chỉ thay một hoặc một vài từ ở dòng trên bằng một hoặc một vài từ khác đồng nghĩa với chúng ở dòng dưới. Một trong các từ được thay đó thường là các từ địa phương. Nhờ biện pháp lặp cấu trúc này mà nhiều câu thơ trong hát Giặm Nghệ Tĩnh có sức nặng đặc biệt về ngữ nghĩa, mang sắc thái riêng, có khi cấu trúc điệp này mang tính chất như bắt buộc, cố định với dụng ý nhấn mạnh hoặc gây ấn tượng cho người nghe.:

–         Nhà hết ló hết khoai,

Không bằng mô dở nữa/ Nỏ bằng mô dở nữa

–         Đến đây xa quán xa lân/ Xa cha, ngái mẹ gửi thân cho chàng.

–         Đừng nghe mồm thiên hạ / Chớ nghe mồm thiên hạ.

Việc thay thế như vậy không chỉ tránh trùng lặp mà còn tạo nên sự hài hòa duyên dáng, tăng tính liên kết, chặt chẽ về hình thức của câu thơ mà nội dung ý nghĩa cũng có sức bao quát, khái quát hơn, nghĩa được nhấn mạnh tăng cường hơn. Từ ngữ địa phương đã phát huy được vai trò của mình trong việc thể hiện những sắc thái nghĩa, sắc thái biểu cảm tinh tế riêng, phản ánh phần nào đó đặc điểm ngữ nghĩa cấu trúc sóng đôi của thơ ca. Một biện pháp khác cũng thường gặp trong thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh đó là sử dụng từ địa phương để chơi chữ tạo nên nét sắc thái riêng trong phong cách thơ. Từ địa phương được sử dụng trong vai trò hiệp vần ngắt nhịp, phổ biến nhất là hát đối đáp nam nữ trong Hát Phường Vải:    

Em như trấy khế trong chùa

Cho anh, anh không lấy

Bán cho anh, anh nỏ mua

Vì chưng thằng cu anh hắn dại, chộ của chua hắn sèm.

(Hát Ví Nghệ Tĩnh)

Biện pháp chơi chữ này tạo ra sự dí dỏm, tinh nghịch, hài hước, giàu tính biểu cảm cho đoạn hội thoại, làm cho tác phẩm trở nên sống động, phong phú hơn. Bởi vậy, đối với các sáng tác mang tính sáng tạo nghệ thuật như dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh và đặc biệt khi được đưa lên sân khấu thì ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở mặt thống nhất mà cần thấy được tính đa dạng, phong phú và giàu sắc thái biểu cảm của nó. Phương ngữ đóng vai trò như một yếu tố sáng tạo nghệ thuật trong tổ chức lời ca trong các sáng tác dân gian. Nhờ vai trò của từ địa phương mang nội dung ngữ nghĩa như vậy mà dân ca Nghệ Tĩnh mang đậm tính thuần phác, hồn hậu, sắc thái địa phương rõ nét.

Về ngôn ngữ nói và giọng nói, tuy là loại hình ngôn ngữ nghệ thuật với những đặc thù ca, kịch, ngôn ngữ cử chỉ… nhưng trên sân khấu kịch hát, sự giao thoa giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ nghệ thuật hết sức đậm nét. Hơn nữa diễn viên là người được sinh ra trên đất Nghệ Tĩnh, sản phẩm do họ sáng tạo và phục vụ nhân dân lao động địa phương nên các vở diễn trên sân khấu kịch hát mang dấu ấn tinh thần của người dân Nghệ Tĩnh với những đặc trưng riêng. Mặt khác, một tác phẩm muốn tạo hơi thở cuộc sống vùng miền riêng biệt, tác giả phải sử dụng phương ngữ để mô tả lời ăn tiếng nói của họ, đặc biệt là với những kịch bản mang đề tài xã hội. Lúc này, phương ngữ trở thành chỉ dấu nhận dạng của vùng miền bởi từ đặc trưng phương ngữ, giọng nói, giọng hát mà khi nghe người ta biết ngay là người xứ Nghệ. Vậy mà có nhiều lúc, trên sân khấu cách phát âm tự nhiên này được thay thế bằng một cách hát âm khác hẳn bằng tiếng phổ thông, như thế là đã loại trừ tiếng địa phương ra khỏi ngôn ngữ nghệ thuật. Làm tăng cái mặc cảm vô lý của người dân đối với tiếng mẹ đẻ của mình. Hơn nữa nó buộc các diễn viên phải nói theo một kiểu cách rất thiếu tự nhiên, nghe như đọc trong sách, trong văn bản, làm cho ranh giới vùng miền trong phương ngữ bị nhòe đi, có khi mất hẳn. Đó là một điều đáng tiếc. Bác Hồ trong một lần về thăm quê nghe Đoàn dân ca Nghệ An hát câu: “Thuyền em lên thác xuống ghềnh; Nước non là nghĩa là tình ai ơi” thì Bác chỉnh lại ngay: Tiếng Nghệ xưa gọi “nác” chứ không phải “nước”; “ngãi” chứ không phải “nghĩa”. Các lớp từ đó vốn là những từ thường dùng trong hoạt động giao tiếp hằng ngày, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chính lớp từ đó đồng thời lại đóng vai trò quan trọng về nội dung và nghệ thuật giao tiếp, đối thoại trong tác phẩm, giúp sân khấu Nghệ Tĩnh không bị trộn lẫn với bất kỳ loại hình sân khấu nào khác. Vì vậy, một tác phẩm, vở diễn trên sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh không thể không dùng phương ngữ, mất phương ngữ là có nguy cơ đưa đến mất gốc. Từ bao đời nay, nhân dân xứ nghệ đã dùng “giọng Nghệ” để thể hiện thành công những cách nhìn, cách suy nghĩ và những cảm xúc tinh vi của con người. Khả năng to lớn đó cũng cần được bộc lộ rõ trong những vở diễn trên sân khấu kịch hát.

Mặc dầu giao tiếp hoàn toàn bởi phương ngữ xứ Nghệ cũng có những khó khăn nhất định, bởi để khán giả miền Bắc và miền Nam nghe và hiểu ngay từ lần đầu thì rất khó, mà họ phải cảm nhận và nhìn nhận trong tổng thể tác phẩm thì mới hiểu hết được, mới cảm nhận được cái hay trong phương ngữ xứ Nghệ nên khi sử dụng phương ngữ cũng cần sự cân nhắc, chắt lọc để không lạm dụng, để phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại mà vẫn giữ được âm sắc của địa phương. Có lúc chúng ta “phổ thông hóa” tiếng Nghệ nhưng cũng có những lúc phải “Nghệ hóa” tiếng phổ thông, miễn là làm sao vẫn giữ được âm sắc của tiếng Nghệ. Đồng thời, tiến tới chuẩn hóa là một qúa trình tất yếu đối với bất kỳ ngôn ngữ quốc gia nào. Nhưng đây là một quá trình tự nhiên có tính quy luật của nó chứ không thể làm một cách vội vàng thiếu cơ sở. Bởi việc sử dụng phương ngữ là một hiện tượng xã hội rất bình thường, tiếng nói quê hương của bất kỳ vùng miền nào cũng cần được trân trọng, giữ gìn, nên sân khấu xứ Nghệ phải biết trân trọng và giữ gìn phương ngữ nếu có cơ hội. Lịch sử đã tạo dựng một vùng văn hóa Nghệ Tĩnh có sắc thái và cái đẹp riêng, đặc biệt đối với loại hình dân ca Ví Giặm, từ ngữ phương ngữ trên những biểu hiện cụ thể, ở những từ và lớp từ cụ thể cũng có những ưu thế, giá trị riêng cho nên vốn từ địa phương còn có sức sống nhất định trong đời sống cộng đồng dân cư xứ Nghệ, không thể một sớm một chiều thay thế hoàn toàn bởi ngôn ngữ toàn dân. Đó chính là lý do tại sao giữ gìn phương ngữ Nghệ Tĩnh trên sân khấu Ví Giặm là một điều hết sức cần thiết.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon