VÀ BÁ ĐÙA – NGƯỜI GIỮ LỬA TIẾNG KHÈN MÔNG

Cao Hải

 “Từ bao đời nay, người Mông ta đều thể hiện nỗi lòng của mình vào tiếng khèn. Thổi khèn để trai gái yêu nhau, thổi khèn để hồn vía tổ tiên về đoàn tụ với gia đình, để linh hồn người chết được siêu thoát…Là người con của núi rừng bản Mông, anh Và Bá Đùa luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của bản làng, dân tộc mình cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi về sau

Nghệ nhân Ưu tú Và Bá Đùa – Tại buổi trình diễn Múa Khèn Mông  đoàn Công tác Trung tâm NTTT ghi hình.

Và Bá Đùa sinh ra và lớn lên tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương một huyện vùng cao thuộc miền tây Nghệ An, nơi người dân có tập tục sống tại các đồi núi cao, địa hình và giao thông đi lại rất khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây gắn liền với phong tục tập quán là những điệu múa, tiếng Khèn, làn điệu Cự Xia. Từ ma chay, cưới hỏi, đều có những âm thanh của tiếng Khèn Mông. Nó là biểu tượng đặc trưng đại diện là tiếng lòng, tâm tư, tình cảm, là sự hân hoan vui mừng trong các dịp lễ tết, hội hè của thôn bản.

Được sinh ra trong gia đình có bố là nghệ nhân Và Nhìa Dài, một trong những người thổi Khèn giỏi, người thầy đầu tiên truyền cảm hứng và niềm đam mê thổi Khèn Mông cho cậu. Trong các dịp hội hè, tết đến xuân sang, hay những buổi cậu theo gia đình đi làm trên nương, cứ thế những bước nhảy điệu múa, tiếng khèn, tiếng hát thấm dần vào tâm hồn của cậu.

Năm 13 tuổi Và Bá Đùa bắt đầu được cha truyền dạy cho cách sử dụng loại nhạc cụ này của dân tộc mình. Anh tâm sự “Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ 12 – 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài”.

Vốn là người thông minh, lanh lợi, thừa hưởng niềm đam mê từ bố, cậu say mê học tập và rèn dũa để có thể sử dụng thành thạo các làn điệu cũng như điêu luyện tiếng khèn của mình. Ngoài bố đẻ là người thầy đầu tiên cậu còn tìm tòi học hỏi và đi tìm hiểu nhờ chỉ dạy từ những người thầy khác tại Kỳ Sơn, Lào để hiểu rõ ngọn ngành và thỏa niềm đam mê của mình.

Với người Mông ở vùng núi cao khèn được xem như một vật thiêng trong nhà. Đàn ông trưởng thành thường sắm một vài cái khèn, nhỏ to, tùy lúc vui hay buồn đều đem ra thổi. Tiếng khèn thường vang lên trong những ngày hội xuân, lúc rỗi việc nương rẫy. Tiếng khèn có thể giúp người ta quên đi những vất vả trong cuộc sống hàng ngày, để trai xinh, gái đẹp nên duyên trong những buổi ném pao.. Trong đám tang, tiếng khèn là thứ âm nhạc đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Mông, thì phải có cái khèn mới làm được đám tang. Tiếng khèn là lời nói và người chết cũng theo những bài khèn đó mà ăn cơm sáng, cơm chiều và về cõi trời. Không có tiếng khèn, người chết sẽ không hiểu được lời nói của người đang sống.

Tiếng khèn, điệu múa thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra. Và Bá Đùa sau nhiều năm học hỏi, rèn dũa đã trở thành người thổi Khèn hay nhất nhì bản Mông tại Tương Dương hiện nay. Anh cũng là một trong những gương mặt trẻ đại diện của Bản làng, huyện và tham gia các đợt tập huấn về văn hóa đồng bào dân tộc, các cuộc thi, liên hoan cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh, đạt nhiều thành tích đáng trân trọng và ghi nhận, tiêu biểu như:

Năm 2008 Đạt giải A  với tiết mục “Xuân Về Trên Bản Mông”  tại Liên hoan Tổ tuyên truyền Văn hóa các dân tộc khu vực biên giới, bờ biển Tỉnh Nghệ An lần thứ IV do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh tổ chức.

Năm 2008 Đạt giải A tiết mục “Múa khèn ngày hội” tại Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ nhất.

Năm 2011 Đạt giải C với tiết mục “Múa khèn Mông” tại Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam tại Tỉnh Hà tĩnh do Đài Truyền Hình Việt Nam tổ chức.

Năm 2012 Đạt giải A với tiết mục “múa Khèn Mông”  tại Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số lân thứ nhất do huyện tổ chức tại xã Nhôn Mai.

Năm 2012 Đạt giải A với tiết mục múa khèn Mông : “Người Mông tìm hiểu nhau” tại Hội thi tìm hiểu Pháp luật dành cho dân tộc thiểu số tại UBND Tỉnh Nghệ An.

Năm 2015 Đạt giải A với tiết mục “ Xóa bỏ cây thuốc phiện” tại Liên hoan các Làng văn hóa trên địa bàn huyện Tương Dương tại Huyện Tương Dương.

Năm 2017 Đạt giải B với tiết mục múa khèn mông “ Sự đổi thay của xã Nhôn Mai” tại Liên hoan tiếng hát Làng Sen tổ chức tại huyện Tương Dương.

Ngoài tham gia biểu diễn anh còn là người truyền dạy lại cách thổi Khèn Mông của dân tộc mình cho nhiều thế hệ trong bản, và các bản lân cận. Với anh đó không chỉ là niềm đam mê mà đó còn là trách nhiệm lớn lao của người con dân tộc Mông, gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình đối với thế hệ trẻ trong thế giới văn hóa muôn màu của xã hội hiện đại. Những học trò đầu tiên được anh truyền dạy là những người con, người cháu trong gia đình, trong dòng họ, thôn bản, tiêu biểu như các học trò Và Lìa Nênh, Và Xái Dinh, Và Song Thái Xồng, Xồng Già Cu tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn  Mai. Hiện nay anh Và Bá Lầu con trai anh Và Bá Đùa cũng là một trong những nghệ nhân sử dụng khá điêu luyện nhạc cụ này tại bản Huồi Cọ. Tháng 11 năm 2018 anh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về trình diễn nhạc cụ dân tộc của người Mông (thổi Khèn Mông).

Năm 2020 được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, lớp học thổi Khèn Mông được tổ chức ngay tại bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai để mọi người được theo học. Thầy dạy chính là nghệ nhân ưu tú Và Bá Đùa, người thổi khèn hay nhất ở huyện Tương Dương. Lớp học được mở ra tại Nhà văn hóa bản, thu hút gần 40 người tham gia, hầu hết là tầng lớp thanh, thiếu niên. “Mình là người Mông mà không biết thổi khèn Mông, múa khèn Mông thì ngại lắm. Được bác Và Bá Đùa dạy cho mọi người đều rất hào hứng. Sau mấy tháng, chúng mình đã biết thổi khèn, múa khèn rồi. Còn muốn thổi hay, múa đẹp nữa thì còn phải rèn luyện nhiều”, Và Bá Xểnh, một chàng trai ở Huồi Cọ cho hay. Đây là một tín hiệu mừng, khi các thế hệ trẻ vẫn dành một tình cảm đặc biệt đối với những giá trị văn hóa độc đáo của bản làng mình. Năm 2023 anh vinh dự là người đại diện cho bản Huồi Cọ tham gia lớp tập huấn về nghệ thật trình diễn dân gia dân tộc Mông ở Nghệ An do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức.

Anh Và Bá Đùa biểu diễn Khèn Mông tại Lớp tập huấn trình diễn dân gian cho đồng bào Mông năm 2023

Những thành tích và đóng góp tích cực của mình trong việc bảo tồn, lưu truyền và gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc anh xứng đáng được mệnh danh là người giữ lửa hồn dân tộc – tiếng Khèn Mông. Chúng ta có thể tin tưởng rằng còn những người tâm huyết như nghệ nhân ưu tú Và Bá Đùa và sự hưởng ứng nhiệt tình của thế hệ trẻ thì nét văn hóa đặc sắc này của đồng bào người Mông tại các huyện miền núi miền tây Nghệ An sẽ còn được lưu truyền và có vị trí quan trong trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con thôn bản, đây cũng là một sắc màu góp vào rừng hoa văn hóa của các đồng bào dân tộc Việt Nam hôm nay và mãi về sau./

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon