Vỹ Nguyễn
Được sự nhất trí của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, vào lúc 20h ngày 22 tháng 12 năm 2023 tại số 30 Nguyễn Sỹ Sách, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An đã báo cáo chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền Thoại Sông Lam”. Tham gia xem và đánh giá buổi báo cáo có bà Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật; Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An; NSND Phạm Tiến Dũng – Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Nghệ An, NSND Hoàng Thành.
Nội dung chính xuyên suốt chương trình là hình ảnh dòng sông Lam – Con sông chảy suốt chiều dài mảnh đất xứ Nghệ, đồng hành và chứng kiến mọi biến cố lịch sử 4000 năm của vùng đất này. Giờ đây nhắc đến sông Lam, người ta không chỉ nghĩ đến con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ mà nó đã thực sự trở thành biểu tượng văn hóa, biểu tượng của mảnh đất và con người xứ Nghệ.
Tác giả kịch bản chương trình Nhạc sỹ Trần Quốc Chung – Nhà báo Phạm Thùy Vinh;Đạo diễn âm nhạc Nhạc sỹ Cao Xuân Dũng; Biên đạo múa NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Diễm Hằng, NSƯT Quỳnh Thương; Đạo diễn hình ảnh Led Lê Đức, Trịnh Phú; Chỉ đạo Nghệ thuật -Tổng đạo diễn: Nhạc sỹ Trần Quốc Chung. Trong chương trình sử dụng các tác phẩm của NSND Hoàng Thành, Hồ Trọng Tuấn, Mai Hương,Nguyễn Cường, Phạm Phương Thảo, Đức Trịnh, Quốc Chung…
Kết cấu chương trình gồm ba phần. Phần 1: Cội nguồn Sông Lam gồm các tác phẩm “Bức tranh họa đồ”, “Người con gái sông Lam”,” Khung cửi đêm trăng”, “Cội nguồn” ca ngợi non xanh nước biếc xứ Nghệ – Miền đất cổ linh thiêng hào khí, đất tiền đồn phên giậu của những cuộc chiến chinh gian khổ, khắc nghiệt nhưng Nghệ An đã trở thành một trong những địa danh hào hùng của cả nước. Dòng sông Lam đã nuôi dưỡng, hình thành cốt cách, tâm hồn con người xứ Nghệ. Sông gắn bó với biết bao số phận, với bao nỗi nhọc nhằn, cay đắng, gian truân. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy dòng Lam hiền hòa, yên bình giữa hai bờ xanh mướt, nhưng chúng ta cũng biết rằng trong suốt chiều dài lịch sử, sông đã chứng kiến bao mồ hôi, nước mắt nhọc nhằn của những “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, bao máu xương đổ xuống sau những cuộc chiến chinh. Chính dòng Lam đã ôm ấp, chở che, đã nuôi dưỡng tâm hồn con người xứ Nghệ, để họ trở thành những người rắn rỏi, kiên cường mà bao dung, lãng mạn, lạc quan yêu đời, và yêu thương đến mềm lòng mảnh đất xứ sở. Phần 2: Thượng Nguồn Sông Lam gồm các tác phẩm “Tiếng Gọi”, “Miền Tây Ngày Mới”, “Khèn Mông”, “Tìm Nhau Trong Đêm Cham Prong”. Ngược dòng Sông Lam lên với miền tây xứ Nghệ, mảnh đất bao đời nay cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung vai, sát cánh chống giặc, cùng xây dựng quê hương bản làng. Mỗi tác phẩm là một bức tranh đẹp về miền tây Nghệ An, ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống yên bình nơi đây. Ca ngợi tình đoàn kết các dân tộc anh em ở vùng đất nắng gió đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng mảnh đất xứ Nghệ nói chung và phát triển văn hóa đặc sắc vùng miền nói riêng. Phần ba Khát Vọng Sông Lam gồm các tác phẩm “Chất Nghệ Trong Anh, Em Biết Chăng”, “Bay Giữa Dòng Lam”, “Tự Hào Xứ Nghệ”, “Khát Vọng Sông Lam”. Từ những nhọc nhằn lam lũ, từ một nắng hai sương với biết bao thăng trầm dâu bể, đã tạo nên cốt cách và khí phách kiên cường của con người Xứ Nghệ. Đó là những còn người dám vượt lên tất cả, luôn khát khao chạm đến những thăng hoa của cuộc sống, những vinh quang của cuộc đời, như nước dòng Lam bao đời mạnh mẽ vẫn cuồn cuộn trôi và đổ ra biển lớn, để bắt đầu một hành trình mới tốt đẹp hơn ở phía trước, biến khát vọng sông Lam thành Hào khí sông Lam. Đồng thời phản ánh khát vọng của con người xứ Nghệ về một dân tộc hùng cường. Xuất phát từ lòng tự hào về nòi giống Tiên Rồng, về truyền thống đoàn kết, anh hùng và những năng lượng nội sinh to lớn của con người đất Việt, tác giả cho thấy niềm tin, lòng khát khao vươn tới một chân trời tươi sáng của người con xứ Nghệ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Buổi báo cáo được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ sáng tạo kịch bản cũng như diễn xuất của diễn viên. Trung tâm nghệ thuật truyền thống khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến và tiếp tục chỉnh sửa để chương trình được nâng cao chất lượng hơn nữa./.
Một số hình ảnh tại buổi báo cáo: