TIỀM NĂNG CỦA CLB DÂN CA VÍ GIẶM TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG

Cao Hải

Dân ca Ví Giặm là nét văn hóa độc đáo của người Nghệ, đưa dân ca Ví, Giặm vào hoạt động du lịch, tiến tới trở thành một sản phẩm mang đặc trưng riêng là một trong những chủ trương mà tỉnh Nghệ An triển khai trong những năm gần đây. Khai thác tiềm năng của CLB dân ca Ví, Giặm kết hợp hoạt động du lịch tại địa phương là hướng đi vừa bảo tồn, quảng bá và phát huy được các giá trị văn hóa tinh thần vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Ảnh các nghệ nhân biểu diễn tại Đảo chè huyện Thanh Chương

Sau khi được tổ chức UNESCO vinh danh, chính quyền các địa phương toàn tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa trong cộng đồng cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ nay là Trung tâm NTTT Nghệ An, đã phối hợp với Khu di tích Kim Liên tại Nam Đàn Quê Bác, TX. Cửa Lò; Các điểm du lịch tổ chức biểu diễn dân ca Ví, Giặm phục vụ du khách thập phương vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, dịp hè và các ngày Lễ gắn với Làng Sen quê Bác thu hút hàng trăm ngàn lượt xem của du khách đến từ khắp mọi miền tổ quốc.

Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, công ước của UNESCO, sau khi di sản được vinh danh, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm trong đời sống đương đại, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ thực hành và trao truyền di sản trong cộng đồng, từng bước phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh được đề cao.

Tính đến năm 2021 toàn tỉnh Nghệ An có 124 CLB dân ca Ví, Giặm tại 21 huyện thành thị với hơn 2400 hội viên, đủ các ngành nghề và độ tuổi khác nhau cùng tham gia sinh hoạt, 42 nghệ nhân dân gian được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, 39 nghệ nhân ưu tú được chủ tịch nước phong tặng. Đặc biệt tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn ngoài các đặc trưng văn hóa  của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,… tại các địa phương này cũng đã thành lập được các CLB dân ca Ví Giặm, hội tụ các hạt nhân văn nghệ. Đây là cơ sở tiền đề để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển du lịch.

Một buổi biểu diễn tại phố đi bộ Tp Vinh Nghệ An

Nghệ An có nhiều điểm du lịch đang được khai thác rất hiệu quả thu hút lượng du khách khắp mọi miền trong và ngoài nước, như: Bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, Khu di tích Kim Liên, Thác Kèm tại Con Cuông, Cổng Trời Mường Lống tại Kỳ Sơn, Biển Quỳnh, Đền Quả Sơn Đô Lương, … Hàng năm đều tổ chức các hoạt động lễ hội tâm linh, du lịch tại các địa phương, gắn với những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. Việc khai thác các CLB dân ca Ví Giặm kết hợp với hoạt động du lịch tâm linh, danh lam thắng cảnh, ẩm thực và du lịch văn hóa tạo thành điểm nhấn ấn tượng thú vị của hành trình khám phá.

   Ảnh sinh hoạt CLB tại Khu du lịch tâm linh sông Dinh – Rú Gám tại huyện Yên Thành

Điển hình cho mô hình này, hiện nay có Hội Ví, Giặm sông Lam được thành lập, quy tụ các hạt nhân văn nghệ yêu Ví, Giặm trở thành một tổ chức có quy mô và hoạt động có tôn chỉ mục đích rõ ràng. Hội đã kết nối các hội viên CLB dân ca Ví Giặm tại các địa phương, tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ gắn với các lễ, hội, chùa, đền hay tại các địa điểm du lịch hoạt động khá bài bản và hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp bảo tồn và quảng bá dân ca Ví Giặm xứ nghệ trong cộng đồng và vì cộng đồng mang tính bền vững.

Việc khai thác tiềm năng từ các CLB dân ca tại các địa phương, thúc đẩy duy trì phát huy sáng tạo trong việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa trong cộng đồng. Đồng thời khi kết hợp với du lịch tại địa phương mình, các nghệ nhân có cơ hội trình diễn văn hóa, quảng bá tới du khách thập phương, đồng thời có nguồn thu nhập ổn định để duy trì sinh hoạt CLB chủ động, sáng tạo. Tạo ra động lực rất lớn cổ vũ niềm đam mê của các hội viên, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương với ngành công nghiệp không khói là xu thế phát triển chung của xã hội.

Hiện nay Nghị quyết mới nhất của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được thông qua. Đây là động lực, là đòn bẩy quan trọng trong quá trình duy trì sinh hoạt CLB dân ca trong cộng đồng. Đặc biệt kế hoạch tổ chức Festival dân ca Ví, Giặm 03 năm sẽ tổ chức một lần đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây sẽ là dịp thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh nhà, vùng đất nhiều truyền thống văn hóa độc đáo và những món ăn đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ sẽ đem lại sự trải nghiệm đầy thú vị cho du khách về với vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Khai thác tối đa các hoạt động của CLB dân ca trong cộng đồng là phương pháp bảo tồn sống, lan tỏa hồn Ví Giặm trong nhân dân, là tôn chỉ để thực hiện cam kết công ước quốc tế của UNESCO. Ví Giặm trong nhân dân, cùng trường tồn và phát triển mãi với thời gian, là kết tinh văn hóa của xứ Nghệ luôn song hành với cuộc sống phù hợp với văn hóa đương đại. Chúng ta tin tưởng rằng tinh hoa văn hóa của cha ông sẽ được thế hệ trẻ tiếp nối và càng làm tỏa sáng xứng đáng với vinh danh của quốc tế “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon