Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác về tình hình kinh tế – xã hội và lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn tỉnh, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2014 là năm tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành quả nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thăm Khu di tích Kim Liên
Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác về tình hình kinh tế – xã hội và lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn tỉnh, bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2014 là năm tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành quả nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 của tỉnh đạt 7,24% (trong đó du lịch đóng góp 8,22% GDP). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư. Tỉ lệ gia đình văn hóa thực hiện năm 2014 đạt 80%.
Hoạt động du lịch phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11% so với cùng kỳ. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch, doanh thu các dịch vụ vượt chỉ tiêu kế hoạch, đạt hơn hai tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2013. Việc đầu tư cho hạ tầng phát triển du lịch được quan tâm, phục vụ cho các đoàn tham quan, du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch mới được đưa vào hoạt động, lần đầu tiên ở Nghệ An có khách sạn năm sao với tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng, khai trương hai tuyến bay mới Vinh – Viêng Chăn và Vinh – Liên Khương, hoàn thiện mạng lưới liên kết phát triển du lịch.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc
Giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được phát huy, công tác bảo tồn di sản được triển khai hiệu quả và đúng tiến độ. Công tác đầu tư, tu bổ tôn tạo và xây dựng các di tích trọng điểm như: Khu di tích Mộ bà Hoàng Thị Loan, di tích Xô viết Nghệ Tĩnh, khu di tích Phùng Chí Kiên… cơ bản các công trình đã hoàn thành và phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống và phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân. Khu di tích Kim Liên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, các hoạt động ngày càng nâng cao chất lượng, xứng tầm là một trong bốn di tích đặc biệt về Bác Hồ.
Về thể thao, tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn cấp quốc gia và chuẩn bị đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016. Xác định ưu tiên đầu tư 12 môn thể thao mũi nhọn trong Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2013 – 2020.
Đặc biệt, dấu ấn rõ nét nhất của ngành VHTTDL tỉnh là dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dự kiến tháng 1.2015, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ phối hợp tổ chức Lễ vinh danh dân ca Ví, giặm tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh. Ngoài việc tổ chức Lễ đón Bằng của UNESCO, sự kiện này còn nhằm truyền bá, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của Di sản dân ca Ví, giặm trong không gian diễn xướng vừa gợi nhớ về phong tục truyền thống, vừa hài hòa với văn hóa, tư duy đương đại. Đây cũng là chủ trương sắp tới của tỉnh Nghệ An trong công tác duy trì, bảo tồn và phát triển dân ca Ví, giặm giai đoạn 2014 – 2020 nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy phát triển nói chung.
Bộ trưởng thăm và kiểm tra di tích đền vua Mai Hắc Đế
Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cùng một số ban, ngành liên quan đã họp bàn, thống nhất kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dự kiến, cùng với Lễ vinh danh dân ca Ví, giặm, Ban tổ chức sẽ xây dựng một số chương trình chào mừng sự kiện trọng đại như: Chương trình Xuân quê hương – gặp mặt kiều bào về giao lưu, biểu diễn dân ca; liên hoan dân ca Ví, giặm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; hội thảo “Học sinh, sinh viên với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh”; tổ chức chương trình giao lưu với các nghệ nhân, CLB dân ca; tổ chức tốt các buổi họp báo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Ngoài những thành tựu đạt được, tỉnh Nghệ An còn một số tồn tại. Trong lĩnh vực du lịch, sản phẩm du lịch của Nghệ An vẫn còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm thu hút du khách. Môi trường tại một số điểm du lịch vẫn còn bị ô nhiễm. Về lĩnh vực thể dục, thể thao, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện và thi đấu mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh một số nội dung về kinh phí, cơ chế, chính sách… cho văn hoá, thể thao.
Thắp hương tại Khu di tích Kim Liên
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những thành tựu về VHTTDL mà Nghệ An đã đạt được, nhất là sự nỗ lực của tỉnh đóng góp trong việc ghi danh dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bộ trưởng nhấn mạnh, có được danh hiệu đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn – điều đó không chỉ đúng với Ví, giặm Nghệ Tĩnh, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta ứng xử với bất cứ giá trị di sản văn hóa nào khi được UNESCO vinh danh. Bởi lẽ, khi bước chân ra thế giới rộng lớn, mỗi di sản văn hóa phải mang đặc trưng riêng của mình để không bị lẫn lộn, hòa tan trong dòng chảy văn hóa đa thanh, đa sắc.
Về dự thảo các kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa sắp tới, Bộ trưởng đồng tình với chủ trương đề cao giá trị văn hóa – tinh thần của tỉnh Nghệ An. Bộ trưởng nhận định, cần quan tâm đúng mức, khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp, vi phạm di tích; làm nổi bật nét đặc trưng của văn hóa địa phương để các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trở thành giá trị bền vững trong xây dựng con người và xã hội hiện đại. Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng cũng công bố Quyết định số 3716/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015, Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng đoàn dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên; di tích đền Vua Mai Hắc Đế, Nam Đàn; thăm chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn).
Phạm Ngân
Dẫn nguồn từ báo Văn hóa Diện tử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch