PHỤC DỰNG LÀN ĐIỆU HÁT REO TẠI LÀNG NHO LÂM – DIỄN THỌ

Cao Hải

 Hát Reo – Một làn điệu dân ca độc đáo riêng biệt của nghề Củi, Cỏ tại làng Nho Lâm xã Diễn Thọ. Thực trạng hiện tại của hát Reo hầu như đã bị mai một. Công tác nghiên cúu sưu tầm phục dựng làn điệu hát Reo của phòng Nghiên cứu sưu tầm thuộc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống đã thu được kết quả đáng ghi nhận, được Hội đồng nghiệm thu ngành Văn hóa và Thể thao đánh giá cao.

Tiết mục “Phường củi cỏ” do CLB dân ca xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu – Đạt giải A cấp Cụm tại Liên hoan.

 Làng Nho Lâm – Diễn Thọ là địa danh lịch sử với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Ngoài sản xuất nông nghiệp, địa phương này còn nổi tiếng với  nghề truyền thống đúc Rèn và Củi Cỏ có lịch sử hàng trăm năm. Môi trường lao động Củi Cỏ đã tạo ra tổ chức mang tính chất nghề nghiệp là Phường Củi Cỏ và làn điệu dân ca có tên là hát Củi Cỏ hay còn gọi là hát Reo.

Hát Reo được sử dụng trong quá trình lao động, là điệu hát của những người đi chặt Củi, bứt Cỏ trong ngàn Đại Vạc, chủ yếu là nam, nữ trai tráng của làng Nho Lâm. Sau khi củi và cỏ đã đầy họ vận chuyển xuống chân núi và từng đoàn người với gánh củi, cỏ trên vai vừa chạy vừa hát khoảng gần chục cây số để trở về nhà. Họ chỉ hát mỗi người một câu, hát xong rồi được nghỉ, để chờ sau hàng chục câu nữa mới được hát tiếp.

Hát Reo vừa là hát đơn ca, vừa là hát tập thể. Đơn ca vì mỗi người hát một câu, dành riêng cho mỗi người một khoảng không gian và thời gian nhất định, không ai trùng lặp ai, không ai giống ai. Tập thể là vì một đoàn người, mấy chục người hát chung một bài, và nhiều bài, hết bài này đến bài khác. Hình thức hát như thế này biểu hiện tính chất cộng đồng rất cao. Trong hoàn cảnh đó, tính cách và bản sắc cá nhân cũng như tập thể có điều kiện thể hiện.

Vì hình thức hát như trên, cho nên những người trong phường Củi Cỏ thuộc rất nhiều bài hát Reo, nếu không nói là phải thuộc hết tất cả. Bởi vì không thuộc thì không tham gia hát Reo được.

Nhạc cụ của hát Reo đơn giản, chỉ là những chiếc Tù Và bằng sừng trâu do những người của phường Củi Cỏ tạo nên. Khi câu cuối cùng của bài hát Reo kết thúc thì tiếng reo hò của đoàn người Củi Cỏ nổi lên, hòa điệu cùng tiếng Tù Và thổi lên inh ỏi, tiếng reo hò làm náo động cả vùng quê.

“Reo” ở đây nghĩa là reo hò. Thường ngày trước, khi đi gánh Củi Cỏ để quên đi mệt nhọc, người dân trong làng vừa đi vừa hát. Làn điệu của hát Reo chịu ảnh hưởng sâu sắc của làn điệu Vè, Giặm và các làn điệu dân ca khác của xứ Nghệ.

Cùng với sự phát triển của xã hội ngành nghề lao động xưa đã mai một, làn điệu hát Reo cũng bị quên lãng với thời gian.

Năm 2019 Đoàn công tác thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã có chuyến đi về làng Nho Lâm xã Diễn Thọ, trò chuyện với nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Quang Liễn – Người con của mảnh đất Nho Lâm, luôn trăn trở với nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Ông có nhiều tâm huyết nghiên cứu và sưu tầm về hát Reo. Là tác giả cuốn sách “Làn điệu hát Reo ở Nho Lâm”- Một trong những tư liệu quý hiếm còn được lưu giữ cho đến nay. Ông cho biết, thực trạng hát Reo tại địa phương hầu như đã bị mai một, người biết hát Reo không còn, những người còn sống đến bây giờ tuổi cũng đã cao không còn hát được nữa. Việc bảo tồn và phục dựng hát Reo là rất cấp thiết để lưu truyền nét văn hóa bản địa cho thế hệ mai sau trước sức mạnh quyền lực của thời gian và sự phát triển của xã hội. (Hiện nay nhà giáo Đặng Quang Liễn  đã mất do tuổi cao sức yếu).

Chuyến công tác này các nhà làm chuyên môn, cán bộ đoàn công tác ghi chép, ký âm lại làn điệu hát reo do cụ Hội, đã 97 tuổi hát ở làng Nhân Mỵ là một trong số rất ít nghệ nhân còn lại hát được làn điệu này. (Hiện tại cụ đã mất do tuổi cao sức yếu).

Tháng 8 năm 2021 Đoàn tiếp tục có chuyến công tác về địa phương làm việc với cán bộ phòng Văn hóa huyện Diễn Châu về kế hoạch phục dựng lại làn điệu này tại làng Nho Lâm xã Diễn Thọ. Tác phẩm “Đông Đào Tây Liễu”, dựa trên lời hát của cụ Hội, làn điệu hát Reo đã được hoàn chỉnh, và hoàn thành Kịch bản diễn xướng về Hát Reo, tái hiện lại hình thức sinh hoạt văn nghệ trong lao động của phường Củi Cỏ bằng hình thức sân khấu hóa.

Sau khi phổ nhạc các nghệ sỹ Trung tâm nghệ thuật Truyền thống đã luyện tập và tiến hành thu âm quay phim dựng hình để lưu giữ lại làn điệu hát Reo gần như đã bị mai một. Đây là kết quả bước đầu cho công tác phục dựng làn điệu hát Reo.

Bước tiếp theo là trả làn điệu về với cộng đồng nơi sinh ra để nó được phục sinh đúng nghĩa, tuy môi trường lao động ngày xưa giờ không còn nhưng có thể được sống lại bằng cách đưa vào nội dung sinh hoạt CLB dân ca của xóm, của xã trong các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, sân khấu hóa làn điệu dân ca này bằng các diễn xướng sinh động,…

Bà Nguyễn Hồng Hà – Phó phòng NCST – Trưởng đoàn công tác cho biết: Đoàn về xã Diễn Thọ sưu tầm, lập hồ sơ nghệ nhân dân ca và hỗ trợ mô hình sinh hoạt CLB dân ca tại địa phương. Đồng thời tìm hiểu sâu hơn về làn điệu hát Reo và thực trạng tại Làng Nho Lâm – thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Sau khi trao đổi với các nhà chuyên môn, BLĐ Trung tâm đã đưa ra kế hoạch sưu tầm, ký âm và phục dựng lại làn điệu dân ca độc đáo này. Kết quả công tác phục dựng làn điệu hát Reo được Hội đồng nghiệm thu của Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận và đánh giá cao tại Báo cáo nghiệm thu công tác sưu tầm điền giã năm 2021.

Năm 2023 tại Liên hoan dân ca Ví Giặm Nghệ tỉnh cấp Cụm và Cấp Liên tỉnh, lần đầu tiên làn điệu Hát Reo với tiết mục “Phường củi cỏ” được CLB dân ca xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu dựng và đưa lên sân khấu thực nghiệm. Tiết mục được Ban giám khảo tại Liên hoan đánh giá cao, “Phường củi cỏ” của tác giả Cao Xuân Thưởng đạt giải A cấp Cụm và Giải B cấp Liên tỉnh.

Đến hôm nay công tác sưu tầm và phục dựng làn điệu hát Reo rất khả thi, thế hệ sau có thể thực hành làn điệu và tìm hiểu rõ hơn về nét văn hóa mang đậm bản sắc, gắn bó một thời với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Để lưu giữ và truyền lại cho con cháu nhiều đời sau, phát huy hết giá trị, nét văn hóa độc đáo, riêng biệt này là câu chuyện lớn của toàn xã hội, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, các nhà chuyên môn và lãnh đạo các cấp chính quyền./.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon