Thu Phương
ĐẶT VẤN ĐỀ:
Ra đời cách đây hàng trăm năm, dân ca Ví, Giặm Nghệ – Tĩnh bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của người dân nên trong từng làn điệu, câu hát đều tương ứng với mỗi ngành nghề. Là lối hát không nhạc đệm, được cộng đồng xứ Nghệ sáng tạo ra, ca từ có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống. Trải qua thăng trầm, biến đổi của lịch sử dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không những được bảo tồn bằng hình thức hát dân ca truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ theo hướng sân khấu hóa đưa “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” trở thành một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Nghệ. Qua quá trình nghiên cứu thể nghiệm đưa Dân ca Ví, Giặm sân khấu hóa trở thành một bộ môn nghệ thuật sánh vai cùng các thể loại “Sân khấu kịch hát dân tộc”. Đến thời điểm hiện tại Dân ca Ví, Giặm đã đứng vững và đạt nhiều thành tựu to lớn trong các kỳ Hội diễn, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp cùng các loại Kịch chủng khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, niềm vui trong thời gian qua không thể ru ngủ chúng ta mà phải không ngừng lo lắng cho Ví, Giặm bởi sau những thế hệ nghệ sỹ gạo cội đã và đang cống hiến làm việc thì kế cận đây, với cuộc sống đương đại nhiều sự pha tạp, giao lưu, tiếp biến Văn hóa; kinh tế thị trường nhu cầu cá nhân hội nhập thách thức con người phải chạy theo kịp thời đại. Chính vì thế những nhà Quản lý, người làm chuyên môn đã đặt ra câu hỏi: “Nguồn lực nào cho Kịch hát dân ca Ví Giặm kế thừa, phát huy và phát triển trong tương lai?”.
- NGUỒN LỰC NÀO CHO DÂN CA VÍ, GIẶM.
Tại kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể với hơn 900 đại biểu đến từ 129 nước tham gia đã thông qua hồ sơ của đoàn Việt Nam về di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Vào hồi 20h50 phút ngày 27/11/2014, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại. Đó là niềm vui, niềm tự hào, đánh mốc son cho văn hóa Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói iêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Từ đó, trách nhiệm của những người làm chuyên môn trong công tác bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh càng đặt ra nhiều câu hỏi về nhiệm vụ quan trọng trong thời gian kế cận cũng như tương lai để Ví, Giặm không là “Di sản tại chỗ” mà phải ngày được nuôi dưỡng lan tỏa rộng ra khỏi “lũy tre làng” hòa cùng dòng chảy tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, vấn đề nguồn lực là vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo tồn, quảng bá di sản.
- Nguồn lực về tài nguyên (Làn điệu Dân ca Ví, Giặm)
Như chúng ta đã biết: Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm là những là điệu Ví và Giặm. Nếu đánh giá sâu sắc và cụ thể thì đang rất đơn điệu và “nghèo” về làn điệu so với Chèo, Tuồng, Cải Lương…. Trong khi đó, Chèo có khoảng trên 200 làn điệu với (sắp, sử, hề, văn, đường trường, sa lệch, luyện năm cung, cách cú, lới lơ……); Cải lương có gần 200 bài bản (Cao Phi, Chiêu quân, các điệu Lý, Lưu thủy Trường, Nam Xuân, Nam ai…)…vv… Các làn điệu, bài bản đa dạng về thể hiện các loại tính cách, cá tính nhân vật;… Sân khấu Kich Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh từ khi được Sân khấu hóa đến nay cũng là nhờ vào sự vận dụng đưa chất liệu Ví, Giặm mà biến tấu thành nhiều các làn điệu khác mang nhiều tính chất tâm trạng, tính cách của nhân vật như (Giận thương, Hát khuyên, Tứ hoa, Chim ơi, Kế lập lờ, con cóc, chồng chềnh…. ) được gọi là “Làn điệu cải biên” của các nhạc sỹ Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế, Đình Bảo, Khắc Chín, Hồ Hữu Thới, Mai Hồng, Lê Hàm…. Tổng cộng có 27 làn điệu gốc và 47 làn điệu cải biên thì cũng chỉ mới có 74 làn điệu và từ đó đến nay Sân khấu chúng ta chỉ sử dụng trong chừng đó bài bản làn điệu mà chưa phát huy thêm được làn điệu mới nào từ nguồn Di sản cha ông để lại. Chính vì thế, mặc dù thời gian qua Sân khấu Dân ca Ví, Giặm lên với đấu trường Sân khấu kịch hát Dân tộc toàn quốc, đã tham gia và đạt nhiều thành tích đáng quý là những HCV, HCB tập thể cũng như cá nhân mang về cho tỉnh nhà niềm vinh quang lớn lao trong các kỳ Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn về tương lai chúng ta chỉ biết dựa vào cái sẵn có để bảo tồn, phát huy mà không có ý tưởng phát triển thì chẳng khác nào cái cây không được chăm bón, vun gốc, tỉa cành, nhân giống… rồi mãi cũng là nó, sẽ trở thành nhàm chán, đơn điệu, mất dần đi sự hấp dẫn, héo úa già nua mà không thể trở thành tinh hoa trong luân hồi cuộc sống.
- Nguồn lực về con người:
Trong thời gian qua, với đa dạng hình thức khác nhau như tập huấn, truyền dạy, dựng lại không gian diễn xướng, tổ chức chương trình thầy gà, thầy bày…. Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tập trung chú trọng cũng như đổ nhiều tâm huyết với công tác truyền dạy cho các cháu học sinh có năng khiếu trong cộng đồng tại tỉnh Nghệ An. Bước đầu đạt hiệu ứng đáng mừng, các cháu rất yêu thích học, say mê và thực sự nhiều em thể hiện rõ tài năng cả về giọng hát và biểu diễn sân khấu. Điều này thực sự là niềm vui và những tia hi vọng cho đội ngũ diễn viên kế cận sau này của những người làm chuyên môn.
Tuy nhiên, việc nhìn thấy các cháu đam mê với Dân ca Ví, Giặm và việc lựa chọn có làm Nghề diễn viên Kịch hát Dân ca Ví, Giặm hay không lại là điều khó xác định, khó thực hiện. Lại phải quay lại nhìn vào thực tế, tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trong mấy năm lại đây cũng đã tuyển vào các sinh viên theo học chuyên ngành biểu diễn Dân ca Ví, Giặm, thời gian nhập học có năm đạt đến 15 – 20 sinh viên. Các em đến tham gia lớp học với những ước mơ, đam mê, nhiệt thành của tuổi trẻ. Nhưng trong quá trình học thì các em lại chuyển hướng khác và thậm chí có một số em học xong đã về đầu quân cho Đoàn Dân ca Ví, Giặm của Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống, song cũng chỉ được một thời gian ngắn cũng tung cánh bay xa mà chưa có một biện pháp, giải pháp nào níu giữ được.
Lý do của sự chuyển hướng Nghề không hẳn vì không còn đam mê với nghiệp diễn hay với những làn điệu ngọt ngào của Dân ca Ví, Giặm. Mà thực tế cuộc sống của thời đại mới mở ra bắt buộc họ phải lựa chọn từ bỏ đam mê, nói một cách rất chua chát rằng: Đam mê không mài ra ăn được, không ra cơm, áo, gạo tiền để phục vụ cái vòng quay hối hả của cuộc sống với quá nhiều nhu cầu, lo toan, tính toán… nếu còn một mình với đồng lương 2- 3 triệu co đằng này, bóp đằng kia rồi cũng tạm ổn, nhưng nếu lập gia đình rồi có thêm một hai đứa con thì quả là đi vào túng thiếu mà giật gấu vá vai cũng không thể cáng đáng nổi phải xoay xở chi tiêu làm sao trong điều kiện kinh tế, giá cả leo thang như hiện nay? Ông cha xưa nói: “Có thực mới vực được đạo”, “Có bột mới gột nên hồ”, sau tấm màn sân khấu tỏa sáng ánh điện hào quang với những vai diễn ông vua, bà chúa, khóc cười cùng bao số phận nhân vật… trở lại đời thường lại về hiện thực với quá nhiều những lo lắng cho việc duy trì cuộc sống với những đồng lương còm cõi chưa lưng tháng đã hết. Nhân vật sân khấu có biên kịch và đạo diễn lo chứ nhân vật đời thường (chính mình) liệu biết lấy ai lo, tiền nhà, tiền xăng, tiền cơm, tiền sữa, tiền học…. tất cả các khoản chi phí yêu cầu cơ bản cho cuộc sống mà những đồng lương còm cõi gánh còng lưng không nổi thì đam mê và hào quang liệu còn giữ nổi không?
Tóm lại, hiện nay nhìn chung nguồn diễn viên đang thực sự là hồi chuông báo động cho nền Kịch hát Dân tộc nói chung và Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng. Số lượng diễn viên đang làm việc công tác đã dần “già hóa” và ngày một ít đi bởi thế hệ nghệ sỹ lớn tuổi thì dần đều đến ngày nghỉ hưu, còn thực tế trong nhiều năm trở lại đây số lượng diễn viên trẻ lại không tuyển vào được, hoặc có tuyển được vào cũng chỉ tham gia công tác được khoảng thời gian ngắn lại tìm công việc khác để rời chuyển.
III. CHÍNH SÁCH – CHIẾN LƯỢC
Văn hóa – là hình ảnh của một địa phương, một đất nước. Văn hóa đại diện cho những tinh hoa, Những người làm văn hóa cũng chỉ bằng da bằng thịt, cũng phải sống cuộc sống thực tế như bao người. Chính vì vậy, phải có những chính sách cụ thể, thực tế trong việc tuyển sinh sinh viên tham gia chuyên ngành Biểu diễn, chế độ đãi ngộ thu hút tài năng hoạt động trong lĩnh vực Sân khấu Dân ca Ví, Giặm để trong tương lai sẽ có đội ngũ kế cận những thế hệ đi trước trong Sân khấu Dân ca Ví, Giặm.
- Chính sách chiến lược trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
– Cần có chiến lược trong việc bảo tồn những cái vốn có để phát huy thật tốt Di sản nhưng cần đi đôi với việc nâng cấp, phát triển nhiều hơn nữa, mới hơn nữa để Văn hóa luôn được biến đổi theo dòng chảy của lịch sử chứ không chỉ là giữ gốc mà không hướng về những mầm xanh. Muốn gốc trường tồn vững chắc thì cành lá phải đâm chồi nảy lộc đó là lẽ của tự nhiên.
- Chính sách về đào tạo, nuôi dưỡng con người – lực lượng kế cận tiếp nối trong tương lai.
* Phải xác định Văn hóa truyền thống cụ thể là kịch Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một bộ môn cần được hỗ trợ, phát huy, phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã nói: “Bảo tồn và phát huy các di sản là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trong đó có các loại hình nghệ thuật Kịch hát Dân tộc. Vì vậy, các tỉnh, thành phố cần có chế độ chính sách đặc thù phù hợp để nuôi dưỡng, phát triển Văn hóa phi vật thể, chính là người nghệ sĩ. Việc các đơn vị nghệ thuật công lập không được ký hợp đồng lao động chuyên môn là do bị hạn chế bởi chỉ tiêu biên chế và một số quy định trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Trước mắt, phải có cơ chế cho phép ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực chính cho sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật. Hiện nay, có một số địa phương đã chủ động làm rất tốt khi đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đây chính là những mô hình để những địa phương khác nhìn vào và áp dụng cho phù hợp với thực tế. Đơn cử như TP.HCM đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030, có xác định mục tiêu nâng cao chất lượng các trường đào tạo VHNT, có kế hoạch đưa các năng khiếu, tài năng VHNT ra đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật cần phải có quy hoạch và phù hợp với từng địa phương để tránh mất đi tính chuyên nghiệp và bảo tồn được loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu mỗi vùng miền”.
Chính sách đặc thù ở đây là gì? Là chính sách dành riêng cho nghề nghiệp, nhằm tạo cơ hội điều kiện cụ thể để diễn viên trong bộ môn Kịch hát Dân tộc (Nghệ thuật truyền thống) có sự ưu đãi hơn so với các ngành nghề khác. Đến cơ chế cho ký hợp đồng lao động chuyên môn với các diễn viên trẻ có tài để tạo nguồn lực chính cho sự phát triển của đơn vị Nghệ thuật. Tuy nhiên mức ưu đãi nghề và lương vẫn đang là con số chưa đủ để người nghệ sỹ có thể yên tâm nhìn vào đó mà chăm lo cho công việc (đủ ở đây là mức cơ bản). Với mức lương nằm ở con số quá nhỏ thì khó lòng giữ được một diễn viên trẻ có năng khiếu chứ chưa nói là tài năng. Bởi ngoài kia còn rất nhiều lối đi giúp họ có những đồng lương con số lớn hơn, đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống hơn.
Hiện nay, với mô hình đào tạo liên kết tại nhà hát trong đề án của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai tuyển sinh năm 2016, 2017 dành cho diễn viên nhạc công Chèo, Tuồng, Cải lương và Kịch hát dân tộc. Với những chính sách ưu đãi như “bao cấp trọn gói” cho sinh viên và thực hiện cam kết ba bên giữa học sinh, nhà trường và Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống. Nếu thực hiện được tại Nghệ An dành cho các sinh viên theo học Nghệ thuật biểu diễn Dân ca Ví, Giặm tại trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật thì việc vừa học tại trường vừa có thể tham gia thực hành biểu diễn để quen với môi trường, thậm chí diễn được có thể giao vai diễn và đi biểu diễn cùng với Đoàn cũng là một cách học và cách xác định nghề nghiệp sớm, cụ thể cho sinh viên về sau này. Tránh trường hợp lặp lại như bao lâu nay sinh viên học xong 2 năm mới vào làm quen với việc biểu diễn ở Đoàn sau đó thấy không phù hợp, hoặc mức lương không đảm bảo như mong muốn lại chuyển hướng khác, lúc đó thì đã mất quá nhiều thời gian của bản thân và của tập thể.
KẾT LUẬN:
Cho đến nay các Nhà quản lý cũng như những người làm công tác chuyên môn không phải không biết nguyên nhân, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để giải quyết nguyên nhân ấy. Nhận thấy vấn đề Bảo tồn, phát huy đi cùng với phát triển là điều vô cùng cần thiết trong Sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh cũng như nguồn nhân lực thiếu vắng đã trở nên cấp thiết đáng báo động cho sự mất còn của Sân khấu Dân ca Nghệ Tĩnh. Mặc dù đã có những ưu đãi đặc biệt và cơ chế đặc thù tuy nhiên vẫn chưa thu hút được thế hệ trẻ vào nghề và gắn bó với nghề.
“Nguồn nhân lực” vẫn là một câu hỏi lớn mà hiện nay chúng ta đang loay hoay tìm phương án, đề án, kế hoạch… nhằm tiếp cận, động viên, khích lệ, ưu đãi… Nhưng quan trọng, cần lắm sự đồng tâm, chung tay của Nhà nước và người dân cùng nỗ lực, cố gắng vì Di sản. Chỉ khi có sự Bảo tồn, phát huy, phát triển và đủ nguồn nhân lực (yếu tố con người) thì nghệ thuật sân khấu Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh mới được gìn giữ, không bị mai một, ngày càng mạnh mẽ sánh vai với các loại hình sân khấu khác trong cả nước, thậm chí lan tỏa tinh hoa văn hóa trên toàn thế giới./.
…….N.T.P……..