LỄ BÁO HIẾU CHA MẸ (LÀM VÍA) CỦA NGƯỜI MÔNG Ở NGHỆ AN

 

Cao Hải

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, phong tục người Mông có rất nhiều nghi lễ như Lễ cưới hỏi, Lễ tạ ơn ông cậu, Lễ cúng dòng họ, Lễ mừng cơm mới, … nhưng quan trọng nhất phải kể đến là nghi Lễ tạ ơn hay còn gọi là Lễ báo hiếu cha mẹ. Đây được xem là một trong những nghi Lễ đặc trưng của người Mông ở miền tây Nghệ An.

Tương truyền rằng, người Mông vốn ở trên núi cao, du canh du cư để làm ăn sinh sống. Một nhà nọ, sống ở nơi núi cao nhưng làm ăn vất vả mãi cũng chưa no đủ. Năm ấy cha mẹ đã già, các con đều khôn lớn lập gia đình riêng. Một đôi vợ chồng người con muốn du canh, du cư đến nơi khác để làm ăn cho no đủ hơn, bèn hỏi ý kiến cha mẹ. Cha mẹ cao tuổi rồi, không muốn du canh, du cư nữa nên không muốn các con cháu cũng du canh, du cư. Hai vợ chồng nọ bèn hỏi ý kiến các anh chị em trong nhà. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng họ thống nhất, nếu vợ chồng người con muốn ra đi thì làm một cái lễ để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ đã rồi hãy ra đi. Hai vợ chồng người con đó đã làm lễ báo hiếu cha mẹ để được đi tìm mảnh đất mới. Từ đó, lễ báo hiếu cha mẹ được mọi người truyền nhau từ đời này sang đời khác và trở thành nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của người Mông.

Lễ tạ ơn cha mẹ hay còn gọi với cái tên khác là “Lễ báo hiếu” được mỗi người con lần lượt tổ chức hoặc tất cả anh em trong gia đình cùng tổ chức cho cha mẹ duy nhất một lần trong đời, khi cha mẹ tuổi đã cao. Đối với người Mông, đạo hiếu rất được coi trọng. Trong gia đình, người chồng, người cha là cây cột cái, có trách nhiệm gây dựng để gia đình làm ăn phát đạt. Ngược lại, con cái phải sống kính trọng, yêu thương cha mẹ hết mực. Đó là nguồn gốc sâu xa của lễ cúng báo hiếu cha mẹ của người Mông.

Lễ báo hiếu cha mẹ thường được tổ chức khi bản làng đã thu hoạch xong vụ lúa nương với ý nghĩa chúc cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu với con cháu. Tuy nhiên cũng không có quy định nào cụ thể về mặt thời gian. Cũng có khi con cái trong gia đình nhân lúc làm ăn khấm khá có thể tổ chức lễ báo hiếu cho cha mẹ. Lễ báo hiếu cha mẹ được lưu truyền qua nhiều đời của người dân tộc Mông và đến nay lễ nghi này vẫn còn nguyên giá trị bởi vẫn được tiến hành với đầy đủ nghi thức và sự thành kính ở mọi gia đình.

Trước khi muốn làm lễ cúng báo hiếu cha mẹ, người con trai mà bố mẹ ở cùng phải đến nhà thầy cúng có uy tín trong bản xem ngày tốt và mời thầy về làm lễ cúng. Nghi lễ phải có đủ mặt các con trai, con dâu; con gái, con rể thì tổ tiên mới ban phúc lộc thọ và giải bệnh cho cha mẹ. Sau đó mỗi gia đình các con tự chuẩn bị lễ vật để thầy cúng làm lễ riêng cho từng nhà dâng lên cha mẹ. Thông thường lễ vật là một bò hoặc con lợn, hai con gà một con trống, một con mái, gạo, rượu, hương … (Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà lễ có thể cầu kỳ hoặc giản đơn nhưng lòng thành và ý nghĩa thì vẫn nguyên giá trị). Trong lễ báo hiếu, nếu nhà có điều kiện thì con cháu may cho cha mẹ bộ quần áo mới, song váy áo của phụ nữ Mông rất cầu kỳ, nếu không đủ điều kiện thì người mẹ sẽ mặc bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất của mình để con cháu làm lễ cho.

          Thầy cúng tiến hành Lễ gọi vía (Hù plì), lễ cúng báo với tổ tiên, xin tổ tiên phù hộ cho hai người già sức khỏe, phúc lộc và có bệnh tật gì thì xin tổ tiên mang đi cho để hai người sống lâu đến một trăm hai mươi tuổi theo quan niệm của người Mông. Mâm lễ cúng được bày ra đầy đủ lễ vật, được đặt trên một cái ghế phía dưới bàn thờ. Theo truyền thống khi thầy làm lễ phải có dụng cụ: 1 cái Đrủa nênh ( gần giống chiếc cồng chiêng); 1 chiếc Của nênh (1 chiếc sừng trâu chẻ đôi), mặc trang phục truyền thống, trên đầu đội 1 chiếc khăn màu đỏ. Hiện nay về trang phục của thầy cúng có thể ăn mặc tự do và lịch sự nhưng các dụng cụ để tiến hành lễ cúng phải đầy đủ. Trong lời cúng, thầy giảng giải về thế giới quan, nhân sinh quan, giảng giải về đạo hiếu của người Mông cho con cháu.

Thầy cúng đang làm vía Lễ báo hiếu

Xong phần cúng này, thầy sẽ mang một mâm cúng ra cúng ngoài cửa, xin ma cửa phù hộ sức khỏe cho chủ nhà cùng con cháu trong nhà khỏe mạnh, làm ra nhiều của cải. Hết lễ cúng tổ tiên xin phúc lộc cho cha mẹ, con cháu là đến lượt phần cúng dâng lễ mừng cha mẹ. Cha mẹ được ngồi trên một chiếc ghế dài, quay lưng về phía bàn thờ. Trước mặt có một chiếc bàn nhỏ để đặt thức ăn con cháu dâng lên. Thức ăn sẽ gồm một bát cơm, một bát thịt gà có cái đầu gà và hai cái đùi gà, một chai rượu. Các con sẽ quỳ trước mặt cha mẹ để lạy ba lần chúc phúc, rồi rót rượu dâng cha, dâng mẹ. Sau đó người con sẽ bón cơm và thịt gà ở bát cho bố mẹ. Hành động này của các con mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục các con khi còn bé, giờ các con đã khôn lớn trưởng thành đủ sức chăm sóc cha mẹ khi tuổi xế chiều. Cứ đút và uống rượu như vậy đến khi hết bát cơm, bát thịt gà và chai rượu thì mới chuyển sang phần dâng lễ giống như vậy cho vợ chồng người con trai thứ hai, thứ ba… hết vợ chồng con trai, con dâu thì đến lượt vợ chồng con gái và con rể. Kết thúc lễ, thầy mo thay lời cha mẹ cảm ơn tổ tiên, cảm ơn các con đã tổ chức lễ báo hiếu, cả gia đình cùng nhau ăn bữa cơm vui vẻ.Ngoài con cháu, có thể mời thêm anh em họ hàng cùng đến dự lễ với gia chủ.

Lễ tạ ơn hay lễ báo hiếu cha mẹ là một trong những nghi lễ quan trọng và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân tộc Mông tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong ở miền tây Nghệ An. Cùng với những phong tục văn hóa dân gian của các đồng bào dân tộc khác, Lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào Mông sẽ góp phần duy trì những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của cộng đồng làng bản trong đời sống văn hóa đương đại./.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon