HỘI THẢO KHOA HỌC “TỪ ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM – ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2030”

Cao Hải

          Sáng hôm nay ngày 27 tháng 12 năm 2023 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức  Hội thảo khoa học “Từ đề cương về Văn hóa Việt Nam – Định hướng chiến lược phát triển Văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030”. Tham dự chủ trì Hội thảo khoa học có các đại biểu: GS.TS Đinh Xuân Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; TS. Bùi Đình Long – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;  TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An;  Đ/c Võ Văn Dũng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;  Th.S Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao,  các nhà khoa học, lý luận phê bình có các tham luận tại Hội thảo, lãnh đạo và CBCCVC Sở Văn hóa và Thể thao, Cán bộ phụ trách Văn hóa cấp tỉnh, huyện cùng tham dự.

Đoàn chủ trì tại buổi Hội thảo khoa học

Nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy của con người, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất. Trình độ phát triển của một quốc gia, dân tộc cũng được tính bằng thước đo văn hóa, thể hiện trong ý chí tự lực, tự cường và khả năng hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Văn hóa cũng là hệ điều tiết của sự phát triển. Bởi lẽ, văn hóa phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài, bảo đảm cho sự phát triển được hài hòa, cân đối, lâu bền.

Quá trình phát triển, dân tộc ta đã khẳng định: Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn hóa đã góp phần hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc, hình thành nên những giá trị truyền thống cao đẹp, bền vững.

Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học

Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa, ngay từ khi đất nước còn chưa giành được độc lập, năm 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở quan điểm mác xít, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trình bày lập trường lý luận khoa học của Đảng ta về văn hóa và các vấn đề về cách mạng văn hóa. Đây được xem là văn kiện lịch sử có giá trị to lớn và ‎‎ý nghĩa lý luận sâu sắc, có tính thời sự cấp thiết tại thời điểm lúc bấy giờ, thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và là Tuyên ngôn chính thức của Đảng về một nền văn hóa mới sẽ được vận động, phát triển theo các nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” trong các tiến trình cách mạng Việt Nam.

Sau hơn 80 năm, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên, những nội dung cốt lõi, quan điểm khoa học của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (năm 1943) vẫn còn nguyên vẹn giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, là nền tảng tư tưởng quan trọng để Đảng ta tiếp tục phát triển đường lối xây dựng, chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam trong hành trình đổi mới, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nghệ An là vùng đất nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, trong nhiều thế kỷ được biết đến là đất “phên dậu”, “trọng trấn” của quốc gia, có tầm quan trọng chiến lược về chính trị và quân sự, được nhiều triều đại xưa dựa vào để chống giặc, giữ nước và dựng nên đại nghiệp. Mỗi người dân Nghệ An tự hào về truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng của quê hương mình.

Trong một dải non sông Việt Nam thống nhất, Nghệ An thuộc tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ nổi bật với cảnh sắc “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” và những sắc màu văn hóa đa dạng của 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Người Nghệ với một lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung nhưng khí chất cương trực, gan góc như chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn” của mảnh đất này. Thế hệ nối tiếp thế hệ, tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp: yêu nước, hiếu học, bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có sức sống lâu bền. Những giá trị văn hóa truyền thống ấy vẫn được tiếp tục phát huy và tỏa sáng cho đến hôm nay, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà. Đặc biệt, trong sự phát triển văn hóa và xây dựng con người Nghệ An vẫn luôn có sự đồng hành chỉ dẫn quý báu của bản Đề cương văn hóa Việt Nam.

Năm 2023, chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam được triển khai trong cả nước. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển”.

Hội thảo khoa học này nhằm mục tiêu tuyên truyền sâu rộng tới các ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng đề cương văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua đối với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp định hướng chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo. Từ nền tảng Đề cương về văn hóa Việt Nam soi chiếu vào thực tiễn văn hóa Nghệ An, có thể khẳng định rằng: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nghệ An cần phải bám sát, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nguyên tắc về văn hóa, cần phải coi trọng và giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống đã được gây dựng, phải lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ và lấy lợi ích của quần chúng làm thước đo của giá trị văn hóa, lấy khoa học là thước đo cho sự phát triển của văn hóa.

Hội thảo hôm nay là một diễn đàn giúp tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất ý tưởng để định hướng chiến lược cho chặng đường phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.

Với mục tiêu đó các tham luận, ý kiến tại Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung chính sau đây:

  1. Bối cảnh ra đời và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
  2. Thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An giai đoạn hiện nay.
  3. Giải pháp, định hướng phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030 từ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An có những ý kiến hết sức thiết thực định hướng về chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030 như: phát triển văn hóa hạ tầng lấy văn hóa gia đình, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp làm nòng cốt; Văn hóa thượng tầng lấy Văn học Nghệ thuật, di sản, vật thể và phi vật thể làm nòng cốt … Đồng thời ông nhấn mạnh những việc nên làm để tôn vinh văn hóa tỉnh nhà, phục dựng khu Văn miếu Nghệ An, phát triển khu du lịch Hòn Ngư, khu liên hiệp Thể thao, khai thác và đầu tư phát triển văn hóa du lịch miền núi: thác Khe Kèm ở Con Cuông, Thác 7 tầng ở Quế phong, …

Kết thúc Hội thảo khoa học “Từ đề cương về Văn hóa Việt Nam – Định hướng chiến lược phát triển Văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030” định hướng của chặng đường phát triển lâu dài của văn hóa tỉnh nhà gắn với công cuộc xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua buổi Hội thảo Ban chủ trì mong muốn những ý kiến đóng góp, xây dựng của các nhà khoa học sẽ có giá trị thiết thực đối với việc định hướng và đề xuất giải pháp, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án để làm tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An một cách bền vững, hiệu quả cho hôm nay và mai sau./.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon