Trong thời gian này, các trường Tiểu học và Trung học trên địa bàn Tỉnh Nghệ An đang ráo riết tổ chức các cuộc thi “Hát dân ca trong trường học” cấp trường và cấp huyện để tiến tới tham gia cuộc thi “Hát dân ca trong trường học” cấp Tỉnh sẽ được diễn ra vào cuối tháng 5/ 2023 tại Trung Tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An.
Không ai có thể phủ nhận lợi ích của dân ca đối với việc hình thành nhân cách con người, nhất là trẻ thơ. Dân ca đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn cho các thế hệ. Hát dân ca, tìm hiểu dân ca, bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca đặc sắc là tình cảm và trách nhiệm của mỗi người con xứ Nghệ. Đưa dân ca vào trường học, đó chính là một trong những cách bảo tồn tốt nhất, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất nhằm giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống của cha ông.
Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc việc đưa dân ca vào trường học. Tùy vào điều kiện tình hình thực tế của mỗi trường học, nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực, ý nghĩa nhằm đưa dân ca đến với học sinh thông qua nhiều kênh như: tổ chức câu lạc bộ học hát dân ca, nói chuyện về dân ca theo chuyên đề, hội diễn hoặc liên hoan tiếng hát dân ca, trò chơi âm nhạc chuyên về dân ca, giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân đàn, hát dân ca… Tiếp xúc với dân ca là cơ hội tạo cho các em có những khái niệm mới trong sự phát triển các làn điệu dân ca, cảm nhận được sự gần gũi với những giai điệu quen thuộc, tính chất âm nhạc vui vẻ, thơ mộng của những hình tượng truyền thống trong văn hóa dân gian. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục bậc Tiểu học, âm nhạc là một trong những hoạt động giáo dục có chủ đích không chỉ giúp các em phát triển ngôn ngữ, nhận thức, thể chất mà còn phát triển tình cảm, thẩm mỹ. Những câu dân ca ngọt ngào sâu lắng thực sự là dưỡng chất tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn một cách tự nhiên nhất. Với chủ trương bảo tồn dân ca trong giáo dục, bắt đầu từ năm 2022 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao mở các lớp tâp huấn, truyền dạy dân ca Ví Giặm cho giáo viên âm nhạc và học sinh có năng khiếu tại các trường tiểu học và Trung học trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó huyện Nam Đàn là địa phương đầu tiên thực hiện chủ trương này.
Phát huy truyền thống đưa dân ca vào trường học, ngày 3 tháng 3 năm 2023 UBND Tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thi “Hát dân ca trong trường học” lần thứ V, diễn ra trong ba tháng 3, 4, 5 tương đương với ba cấp: cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Cấp Tỉnh sẽ diễn ra trong ba ngày trong khoảng thời gian từ ngày 25 – 30/5. Hội thi không nằm ngoài mục đích duy trì phong trào học hát dân ca trong nhà trường, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước. Đồng thời góp phần xây dựng văn hóa học đường, thực hiện tốt phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương. Theo đó 21 huyện sẽ chọn ra 21 trường học có kết quả tốt nhất ở hội thi cấp trường và cấp huyện để tham dự cuộc thi cấp Tỉnh. Nội dung yêu cầu phần lớn là dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh gốc (chiếm 70% nội dung chương trình), ngoài ra còn có dân ca cải biên, dân ca các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước và con người xứ Nghệ…
Nằm triển khai Kế hoạch của UBND Tỉnh, các huyện đã lên kế hoạch tổ chức cuộc thi “Hát dân ca trong trường học” cấp trường như huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, thành phố Vinh…. Các giáo viên và học sinh đều tập luyện hăng say và rất hào hứng. Bên cạnh đó, nhằm mục đích hỗ trợ, định hướng nội dung cho các tiết mục tham gia Hội thi, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cũng đã chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An gấp rút mở lớp truyền dạy dân ca Ví Giặm cho giáo viên âm nhạc trong tháng 4 để kịp áp dụng những kiến thức đã học được vào Hội thi “Hát dân ca trong trường học”. Hội thi không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi, mang lại kinh nghiệm cho giáo viên âm nhạc, mà đây còn là sân chơi bổ ích giúp bồi dưỡng, định hướng và truyền cảm hứng để các em học sinh biết trân trọng, yêu mến các làn điệu dân ca đặc sắc của vùng quê Nghệ Tĩnh. Và quan trọng nhất là gieo tình yêu âm nhạc dân gian vào trong tim của các em, những nghệ nhân Ví Giặm trong tương lai. Có tình yêu với âm nhạc dân tộc thì chính tự thân các em sẽ biết cách bảo tồn, sẽ biết lựa chọn để tiếp nhận các nền âm nhạc thế giới một cách đúng đắn hơn.
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã và đang trở thành quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước cũng như của mỗi chúng ta. Phong trào hát dân ca trong trường học đang đi đúng hướng với mục đích đưa nét đẹp văn hóa truyền thống vào trong nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Lương Vân