BÉN DUYÊN SÂN KHẤU TỪ SỰ NGÂY THƠ, TRONG SÁNG TẠO NÊN NGHỆ SỸ MINH NGỌC

                                                                             Thu Phương

Gọi cho cô vào một buổi tối, tiếng trả lời với chất giọng nhẹ nhàng ấm áp làm cho tôi cảm thấy gần gũi, yêu mến ngay qua vài câu chào hỏi. Chỉ qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi, được nghe cô chia sẻ những câu chuyện nghề trong cuộc đời hoạt động Nghệ thuật của mình  không khỏi làm cho tôi xúc động. Duyên nghề với sân khấu từ sự ngây thơ, trong sáng đã tạo nên một Nghệ sỹ Trần Minh Ngọc của cả một đời cống hiến, tận tâm với Nghệ thuật.

Nghệ sỹ Trần Thị Minh Ngọc sinh ngày 08/01/1944, quê ở Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An. Từ nhỏ cô đã rất yêu thích văn nghệ và thường tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ trong làng, xã. Năm 1959 các cán bộ ở Ti Văn hóa  thực hiện chủ trương tuyển văn công, Nghệ sỹ Minh Ngọc lúc đó chỉ là cô bé 15 tuổi đã trốn bố mẹ tham gia dự tuyển. Và khi nhận được tin trúng tuyển cô phải nhờ cậu thuyết phục bố mẹ cho đi theo nghiệp diễn để thỏa niềm đam mê của mình. Vào Đoàn văn công Nghệ An khi tuổi còn nhỏ nhưng với quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, rèn luyện khổ công nên các vai diễn của cô thể hiện dần đi vào lòng khán giả như một lẽ tự nhiên được yêu thích ghi nhận mỗi ngày. Năm 1962 Huy chương vàng đầu tiên đánh dấu son cho cuộc đời làm nghệ sỹ của cô là vai cô Nghệ trong vở Chèo “Cô gái sông Lam” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn miền Bắc. Niềm vui đó như một đòn bẩy tạo động lực cho cô tự tin hơn nữa trong nhiều vai diễn tiêu biểu khác như vai Cám trong vở Chèo “Tấm Cám”, cô Tâm trong vở “Cô gái thôn Đông”; Súy Vân vở “Súy Vân giả dại”; Đào Huế trong vở “Tuần tỉ Đào Huế”,…. Tất cả những vai diễn dù là Chính hay Lệch cô đều được khán giả yêu thích từ nét diễn chân thật và khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật của mình.

Nghệ sỹ Minh Ngọc không chỉ giỏi trong biểu diễn và nổi trội cả về nhận thức chính trị, xã hội: Mới 17 tuổi cô đã được tập thể tin tưởng bầu làm Bí thư chi đoàn Văn công Nghệ An, 18 tuổi đã là ủy viên Ban chấp hành Đoàn Ngành Văn hóa Nghệ An và đặc biệt năm 21 tuổi cô đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam (1965). Đến năm 1968 được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề bạt là Phó trưởng Đoàn Chèo Nghệ An. Không phụ sự tin tưởng của cấp trên cũng như anh em cán bộ trong cơ quan, cô đã làm việc hết mình vì sự nghiệp nghệ thuật và được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Hai cô cháu đang trò chuyện say sưa thì giọng cô run lên xúc động; Cô kể về điều đặc biệt nhất, thiêng liêng nhất và tự hào nhất trong cuộc đời cô đó là được vinh dự đón Bác Hồ về quê Kim Liên vào ngày 09/12/1961, lần đầu tiên được nhìn thấy Bác bằng xương, bằng thịt niềm vui ấy, cảm xúc ấy vẫn hiện hữu như mới vừa hôm qua. Tối hôm đó, cô và Đoàn được biểu diễn cho Bác và các lãnh đạo đi cùng xem, cô thả hồn vào những câu Ví, Giặm như chưa bao giờ được hát. Kết thúc đêm diễn Bác xúc động đến bên tặng hoa, kẹo cho anh em Nghệ sỹ trong Đoàn. Cứ nghĩ, đó là lần duy nhất được gặp Bác và hát cho Bác nghe. Nhưng niềm vui vỡ òa khi Đoàn văn công được vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn cho Bác và các đồng chí Trung ương xem vở “Cô gái sông Lam” vào tháng 27/05/1962; Cô Minh Ngọc như nghẹn ngào kể về sự ân cần của Bác, từng lời ân cần thăm hỏi, tặng hoa, quà và được chụp ảnh với Bác. Đó là kỷ niệm đẹp nhất, trân trọng nhất không chỉ của riêng cô mà cả của Đoàn văn công Nghệ An ngày đó.

Sang năm 1963 Đoàn văn công Nghệ An lại được Trung ương Đảng điều động ra Hà Nội biểu diễn vở “Cô gái sông Lam” đón Chủ tịch nước Triều Tiên ông Kim Nhật Thành; Lần diễn ấy để lại ấn tượng sâu sắc cũng như sự cảm phục về một Dân tộc Việt nam với những tấm gương nghĩa liệt, kiên trung, quật cường, bất khuất.

Cô nhớ lại những ngày chiến tranh gian khổ của những năm 1965; Như lời Bác từng nói: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Cô kể: “Đoàn văn công Nghệ An thực hiện nhiệm vụ chính trị “Tiếng hát át tiếng bom” chia thành hai đội xung kích gấp rút luyện tập những ca khúc, hoạt cảnh, hoạt ca, kịch ngắn… rồi lên đường hành quân vào trận chiến biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu. Có lần đang say sưa biểu diễn thì có tiếng còi báo động, tiếng đạn, bom dữ dội, đinh tai nhức óc, lúc đó cả đoàn cùng hỗ trợ bê đạn lên cho các ụ pháo cho các anh bộ đội bắn. Tiếng đạn ầm trời và cô ngã xuống, khi tỉnh lại đã thấy đồng nghiệp và các anh bộ đội đứng bên, ai cũng mừng rỡ nụ cười hòa lẫn giòng nước mắt.” Giọng cô lúc này nghẹn lại như sống lại những ngày tháng đó, rồi cô nói: Có trận chiến nào là không có những mất mát thương đau, nỗi đau ấy như cấu vào trái tim người ở lại, nhưng cũng là sức mạnh quyết tâm để tiến về phía trước, là sức mạnh của tình thương, tình đoàn kết của toàn thể các đồng nghiệp đồng chí dành cho nhau mà mãi mãi không thể nào quên được. Và còn rất nhiều những kỷ niệm trong đời Nghệ sỹ mà cô muốn tâm sự nhưng thời gian không cho phép cô cháu chào nhau với lời hưa hẹn sau này có thời gian sẽ chia sẻ nhiều hơn về những trải nghiệm của một Nghệ sỹ thế hệ đi trước.

Được biết, năm 1968 cô theo học Đạo diễn Sân khấu tại Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam rồi về làm cán bộ phòng Văn nghệ Ti Văn hóa Nghệ An (1971), tham gia giảng dạy tại trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh (1978) rồi được đề bạt làm Phó trưởng Đoàn – Đạo diễn Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh. Đến năm 1982 đi thực tập sinh Đạo diễn tại Bungary và trở về làm Giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội (1989). Là một giảng viên đưa đò bao thế hệ sinh viên rời bến, những tâm huyết cô đạo diễn, dàn dựng cho học sinh học tập và tốt nghiệp để kế tiếp sự nghiệp Nghệ thuật thực sự không nhỏ.

 Cuộc đời cô cống hiến cho Nghệ thuật bằng cả sự say mê miệt mài và bền bỉ được ghi nhận là Huy chương vàng vai cô Nghệ trong vở “Cô gái sông Lam”, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa; Vì sự nghiệp Giáo dục, Huân chương Kháng chiến chồng Mỹ cứu nước hạng Hai; Huy chương Vì sự nghiệp Xây dựng tổ chức Công Đoàn, và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hiện nay, cô đã gần đến tuổi 80 nhưng trong cô vẫn toát lên khí chất của một chiến sỹ chiến đấu và sự đam mê của một chiến sỹ Văn hóa. Bởi cả đời làm Nghệ thuật dẫu chiến tranh gian khổ cũng không chùn bước trước bom đạn, thời bình không quan ngại sự xô bồ của cuộc sống hiện đại mà vẫn bền bỉ nuôi dưỡng những mầm xanh của nền Sân khấu kịch hát, góp sức vào việc bảo tồn và phát huy nền Văn hóa truyền thống của Dân tộc. Bởi “Văn hóa là bản sắc của một Dân tộc, Văn hóa còn thì Dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”./.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon