Ví, giặm: Sức sống của một đặc sản xứ Nghệ

Không biết từ thuở nào miền quê “mưa úng đất, nắng nẻ trời” – Nghệ An, Hà Tĩnh đã cất lên những lời ví, tiếng giặm mang nặng ân tình quê hương đất nước, khắc ghi đời sống sinh hoạt hằng ngày, kết nối biết bao tâm hồn những đôi trai gái…để rồi lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh khắc dấu tâm hồn, cốt cách của người Nghệ Tĩnh. Ví, giặm là “đặc sản” của xứ Nghệ có sức sống lâu bền, là di sản quý trong kho tàng văn hóa của người Việt.

Điệu hò từ lao động sản xuất

Hát ví, hát giặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được. Đã có nhiều nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển, trường tồn …của lối hát đặc biệt này.
Không gian khởi xướng cho tất cả các loại hình dân ca đều xuất phát từ lao động, sản xuất và ví, dặm ở xứ Nghệ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mới đầu, dân ca ví, dặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải…nhưng sau đó theo thời gian thì ví, giặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu  dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.
Ví là “ví von”, chẳng hạn như “Thân em như hạt mưa sa. Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng”. Ví là “với”, bên nam hát đối đáp với bên nữ. Ví cũng là “vói”, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ hát vói vào trong sân, trong nhà đối đáp với bên nữ đang quay sợi, kéo vải…Còn giặm gần nghĩa với dắm lúa, điền nan. Ví, giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội… vì vậy ví, giặm thường được gắn với những tên gọi như ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy, ví phường Củi…
Cũng xuất phát từ hát ví, hát giặm mà đại thi hào Nguyễn Du từng có bài văn tế sống Nhị nữ Trường Lưu khi ông lặn lội từ Nghi Xuân sang Can Lộc để hát đối với hai cô gái nơi đây. Khi bước vào sân không may bị ngã thì liền có câu hát đối rằng: “Đến đây hò hát làm thân. Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?/Đất chi có đất lạ lùng. Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho”…Truyền rằng xưa, tại đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có cô đào Nguyễn Thị Nhẫn nổi tiếng hát hay, đối giỏi khiến sĩ tử Phan Bội Châu ở đất Nghệ An cũng tìm gặp để thi thố tài năng.
Khi không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm là phường nón, phường vải, phường cấy…không còn thì thay vào đó là những loại hình nghệ thuật khác mà âm hưởng của loại dân ca đặc sắc này vẫn là hồn cốt, là sự biến hóa, thăng hoa của loại hình mới. Điều đáng tự hào là ví, giặm – “Chất Nghệ” ấy lúc thì âm thầm, lúc lại mãnh liệt, và cho đến hôm nay vẫn không ngừng chảy trong đời sống.
Nghệ nhân Nguyễn Khánh Cẩm (người tóc bạc)
đang say sưa nói về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Nguồn cảm hứng cho âm nhạc đương đại
Vượt qua rào cản về thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, sự biến đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…dân ca ví, giặm xứ Nghệ vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong dân ca ví, giặm xứ Nghệ trở thành nguồn cội của các ca khúc đương thời, là nơi để những bài hát về Hà Tĩnh, Nghệ An được cất cánh.
Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ví, giặm Nghệ Tĩnh đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho quân dân ta …Khi hòa bình lập lại vẫn còn những ca khúc đi cùng năm tháng mang âm hưởng của dân ca ví, giặm mà mỗi khi cất lên người nghe nhận ra ngay, ví như: “Một  khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; “Nhớ về Hà Tĩnh” – NS Giang Minh Thực; “Hà Tĩnh trên đường chiến thắng” – NS Thái Quý; “Qua đèo ngang” – NS Phan Huỳnh Điểu; “Người con gái sông La” – NS Doãn Nho; “Hà Tĩnh chiến thắng” – NS Hồ Bắc; “Nghe câu ví phường vải” – NS Vũ Minh Vỹ…
Và như lời của bà Phan Thư Hiền, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh thì “với sự nỗ lực của chính quyền địa phương 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc bảo tồn, phát triển dân ca ví, giặm xứ Nghệ và sự yêu mến loại hình dân ca này của các nghệ nhân, của toàn thể nhân dân, những không gian diễn xướng năm xưa đang dần được tái hiện. Điều đó được thể hiện trong Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ vào tháng 6-2012, hoạt động của gần 100 câu lạc bộ trên địa bàn 2 tỉnh, trong phong trào nghệ thuật quần chúng thường ngày”…
Chỉ cần chứng kiến sự đam mê của nghệ nhân dân gian Nguyễn Khánh Cẩm (xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi truyền dạy dân ca ví, giặm cho con em thì cũng  hiểu được sức sống của loại hình dân ca này như thế nào. Ông Cẩm cho biết: “Vì yêu và say dân ca ví, giặm nên tôi mới tự thân vận động thành lập câu lạc bộ dân ca Kỳ Anh, ngoài ra tôi còn dạy hát dân ca cho học sinh của 32 trường cấp 2 trong toàn huyện. Cả nhà tôi có truyền thống thích hát và hát hay dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”.

Tháng 12-2012, dân ca ví, giặm xứ Nghệ được công nhận là Di sản phi vật thể mang tầm quốc gia. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thanh, Trưởng ban nghiên cứu văn hóa nghệ thuật nước ngoài của Viện văn học nghệ thuật Việt Nam đã nói trong Hội nghị tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “Dân ca ví, giặm Nghệ – Tĩnh” theo tiêu chuẩn UNESSCO rằng: “Dân ca ví, giặm xứ Nghệ tự thân nó đã, đang chứa đựng rất nhiều giá trị và thế hệ chúng ta hiện nay phải cố gắng để loại hình nghệ thuật này sớm trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon