TRUYỀN DẠY “VAI MẪU” TRONG KỊCH HÁT DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH

Như chúng ta đã biết: “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân xứ Nghệ. Qua quá trình nghiên cứu thể nghiệm đưa Dân ca Ví, Giặm lên sân khấu để trở thành một bộ môn nghệ thuật kịch hát sánh vai cùng các thể loại “Sân khấu kịch hát dân tộc”. Cho đến nay việc truyền dạy cho diễn viên những “Vai mẫu” luôn là khâu quan trọng nhất để hình thành yếu tố quyết định cho một diễn viên kịch hát nói chung và kịch hát dân ca Ví, giặm xứ Nghệ nói riêng.

“Vai mẫu” là gì? Là những nhân vật tiêu biểu trong một số tích diễn của sân khấu truyền thống, được các thế hệ nghệ nhân, nghệ sỹ sáng tạo, thể hiện đạt đến độ chuẩn mực, được xem là khuôn mẫu nghệ thuật.

Một diễn viên “Kịch hát Dân ca Ví, Giặm” phải hội tụ đủ hệ thống các khuôn hát, múa, nhạc, nói, diễn và cảm thụ nghệ thuật… Để thực hiện được “Vai mẫu” việc đầu tiên người diễn viên phải học nằm lòng bài bản các làn điệu cổ và cải biên, hiểu được cách hát, tâm lý, đặc điểm, tính chất  và điệu thức. Từ đó bắt đầu việc học và biểu diễn nhuần nhuyễn một số vai mẫu, diễn viên sẽ nắm được vốn nghề cơ bản các kỹ năng nghề nghiệp bởi “vai mẫu” luôn là những vai đặc thù, điển hình về tính cách nhân vật. Ví dụ: vai Mẹ Seo, Lý trưởng trong trích đoạn “Lý trưởng – Mẹ Seo”, vai Nghệ trong “Cô gái sông Lam”, Minh Khai trong “Sáng mãi niềm tin”… Với dân ca Ví, Giặm ngoài vai mẫu còn có các đối ca, diễn xướng mẫu để diễn viên tiếp xúc và làm quen với nghề diễn như “Một ông hai bà”, “Bần hát ghẹo”, “Thử lòng chung thủy”, “Duyên phường vài”, “Duyên phường cấy”…

Từ xa xưa Dân ca Ví, Giặm luôn được truyền dạy theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề đơn giản và mang tính dị bản cao. Bởi vậy chất lượng nghệ thuật cũng phụ thuộc vào tài năng, lĩnh hội của mỗi người. Cùng học một câu Ví nhưng mỗi diễn viên lại có cách hát, luyến láy khác nhau. Cho đến nay Dân ca Ví, Giặm đã là một môn nghệ thuật kịch hát, nhưng lối truyền dạy truyền thống đó vẫn mang tính chủ đạo. Như vậy trong vai diễn mặc dù “Vai mẫu” là hình mẫu chung song lối diễn của từng diễn viên là thiên biến, vạn hóa. “Mẫu” nhưng rất “mở” bởi mỗi người diễn viên đều có tư duy, sáng tạo riêng, phong thái riêng.

Nhìn vào thực tế đội ngũ diễn viên  có thể  được chia thành 2 nhóm: Nhóm nghệ sĩ gạo cội (thành danh) và nghệ sĩ trẻ. Trong đó, những nghệ sĩ trẻ đã được đào tạo chính quy từ nhà trường, song  phần lớn nghệ sĩ trẻ không nắm vững kỹ thuật ca, diễn, chưa biết cách thể hiện vai diễn bằng tâm hồn, trí tuệ và cảm được nhân vật, diễn theo thụ động của đạo diễn chứ không cảm được ngôn ngữ, tính cách, tâm trạng của nhân vật… Để xảy ra nghịch lý này chúng ta phải nhìn nhận lại công tác đào tạo còn bất cập như: Thiếu thốn trang thiết bị phục vụ học tập; phương pháp truyền nghề theo vai mẫu thiếu khoa học, thiếu “chất lửa” nghề nghiệp. Những yếu tố này đã phần nào làm cho học sinh hụt hẫng, khiếm khuyết về kiến thức và sinh ra những vai diễn “bản sao” của thầy, nghèo nàn, cứng nhắc, thiếu cái riêng, độc đáo.

Hiện nay, có chăng chúng ta cần cải cách phương thức dạy bằng việc kết hợp giữa phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại. Nội dung chính cho phương pháp này là ngoài kiến thức lý luận và khả năng chuyên môn, thì cần trang bị các đĩa hình, video ghi hình các nghệ nhân, nghệ sỹ diễn vai mẫu đó để chiếu cho người học xem: Sau khi xem xong sẽ phân tích nhân vật, thảo luận và tự học, thực hành tại lớp rồi báo cáo vai diễn. Vai diễn mà các diễn viên báo cáo là thành quả của việc tiếp thu, nghiên cứu, tập luyện, chắt lọc, sáng tạo và những ý kiến đóng góp, hướng dẫn của người dạy cũng như của từng bạn diễn. Từ đó người học nắm được phương pháp nghệ thuật cũng như biết phát huy sáng tạo, tư duy mặc dù vai diễn có thể chưa hoàn toàn được thể hiện giống như “vai mẫu”

Thiết nghĩ, với phương pháp và cách thức trên thì các “vai mẫu” sẽ được truyền đạt một cách chủ động và tiết kiệm thời gian hơn, nhằm mục đích giữ vững “vai mẫu” truyền thống  nhưng cũng tạo cảm giác hứng thú, khích lệ của diễn viên có sự sáng tạo mới cho vai diễn đó./.

Nguyễn Phương

NCST – TTBTPHDS Dân ca Xứ Nghệ

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon