Trong những năm qua, ngành văn hóa Nghệ An có nhiều động thái tích cực nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian dân ca Ví Giặm. Trong đó việc chú trọng nâng cao chất lượng CLB được xem là giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Phát huy tinh thần đó, sáng ngày 25/4/2023, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tổ chức khai mạc Lớp truyền dạy dân ca Ví Giặm cho các Câu lạc bộ trên địa bàn Tỉnh. Lớp truyền dạy được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 25-27/4), thu hút hơn 170 học viên đều là lực lượng nòng cốt và có nhiều cống hiến tại các CLB. Thông qua lớp học, các học viên không chỉ được hướng dẫn thực hành các làn điệu dân ca mà còn được bồi dưỡng, nâng cao khả năng viết và dàn dựng, giúp họ có thể tự hoạt động vững vàng, phát huy sự lan tỏa dân ca đến từng nhà, từng xóm hướng tới mục tiêu lâu dài là trả dân ca về với người dân và môi tường sống của nó. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân được gặp gỡ, chia sẻ mô hình hoạt động tốt, cách làm hay nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Lực lượng truyền dạy là các nghệ sĩ gạo cội có kinh nghiệm về dân ca Ví Giặm như: NSND Phạm Tiến Dũng, NSND Hồng Lựu, nhạc sĩ – NSUT Đình Đắc, NSUT An Ninh, đạo diễn – NSUT Tạ Dương. Họ là những nhân tố có công sức rất lớn trong quá trình sân khấu hóa dân ca, là những người trực tiếp học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân có vốn tri thức dân gian, đến nay chính các nghệ sĩ lại là người có năng lực sáng tạo và truyền dạy để hướng dẫn cho CLB.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Quách Thị Cường, giám đốc Sở văn hóa – Thể thao Nghệ An nhấn mạnh đợt tập huấn lần này chính là bước đệm quan trọng hướng tới kỷ niệm 10 năm dân ca Ví Giặm được Unesco vinh danh. Đồng thời, đồng chí Phó giám đốc yêu cầu Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An chú trọng đến nội dung các bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp các thành viên CLB phân biệt giữa làn điệu gốc và làn điệu cải biên, hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng phục trang để CLB sử dụng cho đúng trong các hoàn cảnh cụ thể. Qua đó, đồng chí cũng ghi nhận sự nhiệt huyết, trách nhiệm của các anh chị nghệ nhân CLB trong việc thực hành di sản.
Truyền dạy dân ca Ví Giặm là việc làm ý nghĩa nhằm bảo tồn và trao truyền giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, qua đó giúp các thành viên câu lạc bộ nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong công tác bảo tồn, đồng thời giúp họ phát huy năng lực sáng tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nhằm tạo động lực để họ tiếp tục giữ gìn, trao truyền di sản trong cộng đồng.
Lương Vân