Ở anh, có một thể hình lý tưởng, phù hợp với nhiều dạng nhân vật; có giọng hát ấm ngọt mềm mại, đậm đà sắc thái dân gian đầy truyền cảm; có lối diễn sống động linh hoạt, dễ dàng thích ứng với nhiều cảnh huống nhiều tâm trạng và tính cách khác nhau, bi-hài-hùng anh đều diễn tốt. Cái phẩm chất nghệ sĩ thực thụ mang tính chuyên nghiệp luôn hiện hữu trong anh, điều này không chỉ bộc lộ ở trên sàn diễn mà ngay trên sàn tập cũng vậy, bao giờ anh cũng lao động hết sức nghiêm túc, có nhiều tìm tòi sáng tạo trong cách hát, cách nói, trong động tác hình thể (vũ đạo), trong biểu đạt tâm trạng và khắc hoạ tính cách nhân vật, rất ít khi lạm dụng kỹ xảo để thôi miên khán giả. Các vai diễn của anh dù chính hay phụ, dù bi hay hài anh đều nghiên cứu kỹ lưỡng và thể nghiệm hết mình, do đó tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.
Ngay như việc hoá trang, phục trang cũng vậy, anh chú ý đến từng chi tiết, không bao giờ qua loa đại khái, dù đó là một buổi diễn quy mô sang trọng tại Nhà hát lớn giữa Thủ đô, hay một buổi diễn lưu động ở miền quê heo hút. Có những khi mưa dầm gió bấc, cái lạnh thấu thịt buốt xương ở miền sơn cước, hay cái rét căm căm ở miền biển lồng lộng gió mùa, cũng chẳng làm anh nản lòng mà châm chước cho mình một cách tuỳ tiện. Trong khi mọi người ăn bận ba tầng bốn lớp mà vẫn cảm thấy chưa đủ ấm, thì anh vẫn phải cởi trần đóng khố ra sân khấu để hoá thân vào vai chàng Thúc Loan cùng đinh ở đợ, bởi thế mà ai cũng động lòng thương cảm.
Hoặc vào những ngày hè nóng nực, mỗi khi biểu diễn trong cái rạp chật hẹp bức bí, lại thiếu thông gió như rạp 12-9 chẳng hạn, anh cũng phải khoác vào mình bộ lốt hổ bằng vải thô dán nhiều lớp , vẽ rằn ri, kín mít từ đầu đến chân để thủ vai “Ông Vua hoá Hổ”, mồ hôi dầm dìa như người bị cảm xông hơi, thế nhưng anh vẫn say sưa nhập vai hết mình, quên cả mỏi mệt. Những điều tưởng là nhỏ nhặt như vậy nhưng đó lại là biểu hiện ý thức nghề nghiệp, là đạo đức diễn viên, luôn coi sân khấu là thánh đường, khán giả là thượng đế. Là diễn viên ở bộ môn kịch hát Ví, Giặm đang trong quá trình thể nghiệm, mọi thành tố tạo nên kịch chủng như : Âm nhạc, vũ đạo, ngôn ngữ, phương pháp diễn xuất, mỹ thuật, rồi các thủ pháp kỹ xảo…tất cả đều chưa có sẵn như các bộ môn sân khấu cổ truyền (Tuồng, Chèo, Cải lương), đòi hỏi người nghệ sĩ phải nghiên cứu tìm tòi sáng tạo mà ứng dụng vào các vai diễn, sao cho hài hoà nhất quán mang đặc trưng kịch chủng, điều đó thật không dễ chút nào. Nếu người diễn viên lười suy nghĩ, không chịu khó tìm tòi các phương cách thể hiện thì cũng dễ trở thành một anh thợ diễn tầm thường.
Danh Cách không bao giờ chấp nhận lối hành nghề dễ dãi như vậy. Hơn nữa Đạo diễn chỉ gợi mở ý tưởng! Diễn viên phải tự tìm cách biểu đạt cho trúng ý đồ Đó của đạo diễn, làm sao trong cái “tôi” của nhân vật có sự chung hoà giữa cái “tôi” của diễn viên và cái “tôi” của đạo diễn, nghĩa là người đạo diễn phải “chết” trong diễn viên và trong nhân vật. Danh Cách thường lý giải như vậy và anh đã hành xử theo chiều suy nghĩ ấy rất có hiệu quả trong sáng tạo thực nghiệm sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh.
Ba mươi năm làm nghề, amh đã đóng hàng chục vai diễn, mỗi vai là một hình tượng nhân vật điển hình có diện mạo riêng, phần lớn là những vai chính trong các vở như : Bát Xu trong “Đốm lửa núi Hồng”, Lý Nam Nam trong “Trắng hoa mai”, Quan huyện trong “Vụ án kỳ lạ”, Mai Thúc Loan trong vở cùng tên, Vua Duệ Tông trong “Bão táp cửa Kỳ Hoa”, Từ Đạo Hạnh trong “Ông vua hoá Hổ”, Vũ Thành Nam trong “Thử thách”, Vua cha trong “Chuyện tình ông vua trẻ”, Lê Hồng Phong trong “Sáng mãi niềm tin”…
Trong số hàng chục vai kịch do anh thể hiện đã có 4 vai được tặng Huy chương Vàng và 1 vai được tặng Huy chương bạc tại 5 kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc mà anh tham dự, những vai diễn đó là: Anh Thành trong trích đoạn “Giận mà thương” (Hội thi tiếng hát sân khấu 1982), Mai Thúc Loan trong vở cùng tên (1985), Vua cha trong vở “Chuyện tình ông vua trẻ” (1995), Vũ Thành Nam trong vở “Thử thách” (1998), Lê Hồng Phong trong vở “Sáng mãi niềm tin” (HC Bạc- năm 2000). Do tài năng và sự cống hiến xuất sắc của mình, anh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997. Những phần thưởng và danh hiệu cao quý này đối với một nghệ sĩ tỉnh lẽ thật đáng trân trọng và tự hào biết bao. Đó là niềm vinh hạnh không chỉ cho anh mà cho cả quê hương.
Trong cuộc sống đời thường, anh luôn chan hoà cởi mở thân tình với mọi người, sống trung thực giản dị, tận tình giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp, được mọi người quý mến cảm phục. Đối với gia đình, anh là một người chồng người cha hết mực thương yêu vợ con. Nhớ lại hồi bao cấp, gia cảnh anh thật khốn khó, cha già vợ yếu con thơ, nghề diễn viên tự nuôi mình cũng đã khó, nói chi đến chuyện nuôi cả gia đình. Nhưng chẳng lẽ cứ để vợ con sống vật vờ mãi sao được, dù rất yêu nghề, anh cũng đành tạm gác niềm đam mê nghệ thuật, về quê thuê mượn chiếc thuyền con, ngày ngày cùng vợ ngụp lặn giữa sông cào hến, rồi chở xuôi Bến Thuỷ bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhờ có sức khoẻ tốt và thông thạo luồng lạch nên việc chống chèo xuôi ngược đối với anh là chuyện bình thường, cả làng vạn chài họ đều như thế. Điều trớ trêu và nhức nhối ở đây là trong khi nhân tài tìm không ra, tuyển không được, lại phải bỏ phí một ngôi sao đang phát sáng, chỉ vì cơ chế tem phiếu ràng buộc mà đành chiụ vậy sao? Nghĩ vậy, ông Trưởng Đoàn Dân ca đề đạt với ông Trưởng Ty Văn hoá đặc cách cho vợ anh đượcnhập khẩu vào Đoàn làm cấp dưỡng để cả nhà được hưởng chế độ tem phiếu. Vợ chồng anh vô cùng phấn khởi. Từ đây anh dốc hết tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp, còn vợ cũng phục vụ hết mình cho tập thể, không để ai chê trách điều gì .
Nhắc lại chuyện cũ ta lại càng thương xót cho một nghệ sĩ tài đức vẹn toàn mà đoản mệnh. Anh ra đi ở tuổi 47, đúng vào ngày mồng 2 tết Nhâm Ngọ 2002. Đây là một tổn thất lớn cho sân khấu kịch hát Ví, Giặm, để laị một niềm tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp và công chúng gần xa…
Thanh Lưu
Post by Van Phu