Sông Lam – Nơi khởi nguồn một nền văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh dòng sông Lam lại trở thành biểu tượng đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân xứ Nghệ, trở thành kỷ niệm tuổi thơ dạt dào tuôn chảy trong tim mỗi người.

Lương Vân

Trung tâm BT&PHDS dân ca xứ Nghệ

 

“Tôi sinh ra trong vành nôi xứ Nghệ

Uống nước dòng Lam từ thuở ấu thơ

Ngọt ngào trong mát như dòng sữa mẹ

Nuôi tôi khôn lớn qua những tháng năm”

 

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh dòng sông Lam lại trở thành biểu tượng đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân xứ Nghệ, trở thành kỷ niệm tuổi thơ dạt dào tuôn chảy trong tim mỗi người. Bởi dòng sông Lam không biết từ bao đời nay đã nuôi dưỡng, chở che, bao dung và chứng kiến sự sinh tồn của biết bao thế hệ người dân trên mảnh đất này. Nhưng trong sự thầm lặng đó mấy ai trong chúng ta biết được những ký ức tươi đẹp, những dấu ấn văn hóa mà con sông để lại, những chứng tích nó đã đi qua và quá trình nuôi dưỡng đó xảy ra như thế nào?

Có thể gọi sông Lam là dòng sông di sản, bởi dòng chảy của sông không chỉ đơn giản là dòng chảy địa lý mà hơn thế, đó chính là dòng chảy của lịch sử, của quá khứ, của nền văn hóa xứ Nghệ từ bao đời nay. Con sông đã mang trong mình một ý nghĩa rất đặc biệt đối với vùng quê Nghệ Tĩnh trong suốt chiều dài lịch sử, trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Dòng sông Lam hiền hòa, dữ dội đã mang nhiều chứng tích, chiến công của các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Sông Lam không trong xanh thơ mộng suốt bốn mùa mà khi đục khi trong, khi hiền hòa, khi dữ dội để chống chọi với thiên nhiên trong mùa nước lũ như chính con người xứ Nghệ, tuy chân chất, mộc mạc nhưng rất anh dũng, kiên cường.

Đối với xứ Nghệ, dòng sông đã hình thành nên phong tục tập quán, cách ứng xử; tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Dòng sông đã từng chảy qua bao cuộc đời, chuyên chở biết bao số phận với nỗi nhọc nhằn, cay đắng gian truân. Bến sông, bãi chợ tàu thuyền trên sông Lam không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ, gắn kết tình đời, tình người, mà còn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những làn điệu dân ca Hò, Ví Giặm. Chính nguồn tài nguyên sông nước đã góp phần sinh ra văn hóa canh tác nương rẫy, lúa nước, trồng trọt, chài lưới và đánh bắt cá. Những đặc điểm tự nhiên đó đã tạo cơ sở cho sự hình thành nét phong thái, tính cách và dòng máu ham thích văn chương, sáng tạo tinh thần của người dân xứ Nghệ, trong đó có thói quen thường trực với nhu cầu ca hát Ví, Giặm. Người ta có thể hát mọi lúc, mọi hoàn cảnh: hát để chào hỏi giao lưu đối đáp khi hai thuyền gặp nhau, hát để giao duyên bày tỏ tình cảm nam nữ, cũng có khi là hát tự sự và dòng sông trở thành người bạn tâm tình, chuyên chở tâm tư con người. Cũng từ không gian sinh hoạt đó đã sinh ra những làn điệu Ví, Giặm khác nhau như Ví đò đưa sông Lam, Ví đò ngang, Ví đò dọc, Ví đò đưa nước ngược, Ví đò đưa chuyển phường vải… Và thường thì những câu hát trên sông với khung cảnh trữ tình nên thơ thì những câu hát cũng trở nên bay bổng lãng mạn. Đây chính là môi trường diễn xướng tuyệt vời nhất, gợi tình nhất cho Ví Giặm:

Trên đường đê tiếng cười vang dội

Thợ nhà máy ngồi hội tự do

Cảnh sông Lam trên bến dưới đò

Thuyền bè qua lại tiếng hát hò rền vang.

(Dân ca Nghệ Tĩnh).

Ví đò đưa sông Lam là một trong những làn điệu ra đời sớm nhất, với âm điệu man mác, mêng mông, sâu lắng. Vì sông có bên lở bên bồi, nước cũng có lúc trong lúc đục nên người dân lấy đó làm hình ảnh so sánh với cuộc sống nhục vinh của đời người, như câu nói “sông có khúc, người có lúc” con người có khi nhục sẽ có khi vinh như nước của dòng sông Lam vậy:

“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh.

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình ai ơi”

(Ví đò đưa sông Lam)

Trong lời ca, trong âm hưởng những câu hát Ví ta cảm được không gian của dòng sông một cách rõ nét. Chính dòng chảy vừa phải đều đặn, không quá ồn dào dữ dội của dòng sông đã mang dấu ấn riêng cho những câu hát. Cùng với mái chèo cất nhịp, những lời ca giàu tính chất trữ tình giúp cả khách lẫn người chèo thuyền quên đi những buồn vui trong cuộc sống.

Nếu như làn điệu Ví đò đưa sông Lam, Ví đò ngang mang âm điệu nhẹ nhàng bay bổng thì trong nhịp điệu của Ví đò đưa nước ngược ta nghe được sự vất vả, khó nhọc của những người lái thuyền khi phải ngược dòng, vượt qua bao ghềnh thác:

“Thuyền em xuôi Chế sáu chèo;

Thuyền anh ngược Rạng cheo leo một mình”.

(Dân ca Nghệ Tĩnh)

 

Khung cảnh bay bổng, lãng mạn của Ví Giặm trên sông có khi lại trở thành không gian của tình yêu và hôn nhân, một thứ tình cảm tế nhị nhưng cũng hết sức sâu sắc dễ thương. Với đặc tính dài, rộng, sâu, hai bờ sông không chỉ là khoảng cách không gian mà còn thể hiện sự ngăn cách, chia ly trong tình yêu. Sang sông được ví như hình ảnh người con gái đi lấy chồng:

Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở

Anh đến bến đò thì đò đã sang sông

Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng

Hỏi em yêu anh như rứa có mặn nồng hay chưa?

Đáp:

Anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải nở

Anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang sông

Anh đến tìm em, đến duyên cha mẹ ép phải lấy chồng

Giờ trách nhau chi nữa cho cực lòng nhau thêm

(Ví ghẹo – Dân ca Nghệ Tĩnh).

Những câu hát dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, bởi nó gắn liền với cuộc sống chân thực của con người, đó là những tình cảm lứa đôi cao đẹp, trong sáng. Tuy nhiên sông cũng thể hiện khát vọng gặp gỡ trong tình yêu và họ đã “sang sông” bằng những hình ảnh cây cầu thật nên thơ như sợi chỉ, cành hồng, dải yếm. Dù sang sông bằng hình thức nào thì đây đều là những nỗ lực kết nối không gian trong tình yêu đôi lứa:

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.

(Dân ca Nghệ Tĩnh)

Bên cạnh là nơi sản sinh, nuôi dưỡng những câu dân ca Ví Giặm thì dòng sông Lam còn là nơi lưu giữ tuổi thơ của mỗi người. Sông đã trở thành suối nguồn không bao giờ lặp lại trong các cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc họa. Sông đã truyền cảm hứng để cho ra đời biết bao ca khúc xúc động về quê hương, về Bác Hồ mang âm hưởng từ làn điệu dân ca Ví Giặm.

Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên, một nhạc sĩ lớn của dân tộc sinh ra trên đất Nghệ có kể: “Sau nhiều năm sáng tác, tôi nhớ mình đã có ba lần viết nhạc bằng nước mắt: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê và Mẹ Việt Nam anh hùng.” Cả ba ca khúc đều là những ca khúc đầy xúc động, nói về tình cảm thiêng liêng theo những cách riêng của nhạc sĩ. Trong đó, Neo đậu Bến là một trong những ca khúc đặc sắc nhất viết về xứ Nghệ, về những kỷ niệm tuổi thơ gắn với dòng sông Lam của chính tác giả. Với những ca từ giản dị, giai điệu mộc mạc đậm chất dân gian, ca khúc đã đưa độc giả trở về với dòng sông tuổi thơ đã in sâu vào tâm trí: “câu đò đưa thầm gọi, tôi ghé về tuổi thơ, người xưa đâu xa vắng, ai đưa tôi qua đò”; “Sông Lam biết khi mô cho cạn, như tình quê hương trong tôi”. Bởi lẽ nhạc sĩ đã có nhiều kỷ niệm tuổi thơ gắn với dòng sông và muốn lưu giữ những hình ảnh thấm đẫm tình quê đó vào trong tác phẩm của mình.

Con người lớn lên cùng dòng sông. Năm tháng trôi đi, càng có thêm nhiều kỉ niệm. Ai cũng mang trong mình hình ảnh một con sông quê hương, là dòng sông đẹp nhất mà dù có “quá nửa đời phiêu dạt” thì ta vẫn về “úp mặt vào sông quê”. Ngày nay đâu đó ta vẫn thấy những cái tên, những câu nói, những sự kiện lấy sông Lam làm biểu tượng văn hóa của xứ Nghệ như: Đồng hương sông Lam, tạp chí sông Lam, đội tuyển sông Lam…nghĩa là sông Lam vẫn mãi là biểu tượng văn hóa của xứ Nghệ. Thế nhưng, sông Lam hiện nay còn giữ được nét văn hóa vùng miền của địa phương? Câu nói nổi tiếng của học giả Heraclite “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” chính là nói về sự thay đổi liên tục của xã hội và thế giới tự nhiên trong đó có sông nước. Dòng đời tất bật dường như không còn mối quan hệ thân thiết với dòng sông. Sông Lam ngày nay không còn là nơi giao thương buôn bán, không còn những chuyến đò chở khách sang sông, cũng không còn nghe những tiếng hát Ví ngân vang với những nét đẹp giàu bản sắc. Thậm chí, nguy cơ mất cân bằng trong môi trường sinh thái, với dân số ngày càng tăng, nước phế thải từ các nhà máy cũng như nước sinh hoạt làm ô nhiễm nguồn nước trở thành vấn nạn cho cả cộng đồng. Sự mai một, khô cạn của một nền văn hóa sông nước đã có tự nghìn năm không phải chỉ là một lời cảnh báo.

Sông Lam là biểu tượng văn hóa, là dòng sông tuổi thơ của người dân xứ Nghệ. Chúng ta phải tự hào coi đây là di sản, là nguồn lực quan trọng để phát huy truyền thống văn hóa của quê hương. Cần đầu tư kinh phí để giữ gìn môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cũng như tiến hành khảo sát, nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cần phải làm sao để sông Lam trở lại hình hài như từng có trong tiềm thức, xứng đáng là dòng sông đẹp nhất, dòng sông tuổi thơ của mỗi người.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon