SINH HOẠT DÂN CA VÍ, GIẶM Ở CÂU LẠC BỘ HIỆN NAY

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là cốt cách của người xứ Nghệ, được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống, mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, bản sắc của người Nghệ.

Chẳng ai biết được chính xác hát Ví, Giặm có từ bao giờ, đến nay đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết được rằng nó ra đời từ trong lao động, gắn với lao động và sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi mới xuất hiện, dân ca Ví, Giặm còn thô sơ mộc mạc, giản dị nhưng sau đó theo thời gian loại hình này đã phát triển lên tầm cao mới với bố cục chặt chẽ, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc để hấp dẫn và làm say đắm lòng người. Mỗi người dân Nghệ hát với những tâm sự khác nhau nhưng người Nghệ cứ lao động là ca hát. Trước đây việc tồn tại phổ biến của các làng nghề hay lao động nghề nghiệp đã tạo cho sinh hoạt Ví, Giặm được diễn ra thường xuyên hơn. Ngày thì họ hát đối đáp với nhau lúc cày cấy trên đồng ruộng, đi hái củi trên núi trên đồi, hay đánh bắt tôm cá dưới sông,… tối về, họ lại tụ họp để vừa dệt vải kéo sợi vừa hát đối đáp dao duyên với nhau giữa các tốp nam và tốp nữ của làng này với làng nọ như những cuộc hẹn hò, trao gửi tâm tình với nhau, hay lúc nông nhàn lại tụ họp với nhau ở các phường đan, phường nón,… vừa làm vừa hát. Cũng từ những cuộc đi hát này mà nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng. Ngày nay khi đời sống công nghiệp hiện đại lên ngôi, việc tồn tại của các làng nghề đã ít đi hoặc không còn nữa, sinh hoạt Ví, Giặm trong cộng đồng người dân Nghệ Tĩnh không tồn tại như trước mà chuyển sang một hình thức khác: Hình thức Câu lạc bộ dân ca ở các làng, xã, thôn, xóm… đây là hình thức sinh hoạt mới hiện nay.

Tiền thân của CLB dân ca trong cộng đồng vốn là các phường hát, hội hát xưa. Qua thời gian, với sự ra đi của các làng nghề, các phường hát không còn. Việc thành lập CLB chính là hình thức đưa sinh hoạt dân ca trở về với nguồn gốc ban đầu của nó và tục hát truyền thống của cha ông. Lâu nay hình thức sinh hoạt này chủ yếu là truyền miệng qua các thế hệ nghệ nhân trong cộng đồng, được gọi là sinh hoạt cộng đồng. Hình thức này mang tính tự nhiên như vốn có nhưng tính cộng đồng lại không cao và tính chuyên nghiệp chưa có. Từ khi Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ được thành lập năm 2010 và đặc biệt từ khi Ví, Giặm trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014, công tác bảo tồn và phát huy Ví, Giặm càng được đẩy mạnh trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhằm đưa dân ca về với cộng đồng, sống lại trong dân gian, bên cạnh việc đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức các hội thi hội diễn, liên hoan dân ca hàng năm…thì xây dựng mạng lưới câu lạc bộ dân ca trên địa bàn dân cư ở các địa phương là việc làm hết sức thiết thực. Nhờ đó, hoạt động câu lạc bộ dân ca đã được nâng lên một bước, trở nên bài bản, có tổ chức và chọn lọc hơn, trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn và không ngừng được nhân rộng trên khắp các địa bàn dân cư xứ Nghệ. Không ai khác, nghệ nhân là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc phát huy và nhân rộng mạng lưới dân ca trong cộng đồng.

Và đến hôm nay, sinh hoạt dân ca đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp và  hết sức tự nhiên, thực sự đi vào đời sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ, như một bộ phận không thể tách rời từ ma chay, cưới hỏi, lễ tết, đình đền, các hoạt động xã hội,… Từ 25 Câu lạc bộ dân ca ở 14 huyện, thành thố, thị xã với 500 thành viên (năm 2011), đến nay con số đó đã hơn 120 CLB/21 huyện, thành, thị với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt, trong đó có 42 nghệ nhân dân gian, và 39 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng. Hệ thống các Câu lạc bộ (CLB) tạo nên mạng lưới dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở địa phương. Đây là một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ. Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, các CLB dân ca sinh hoạt nhiệt tình, say mê, tự nguyện vào các hoạt động văn hóa cộng đồng dân cư của địa phương, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn dân ca,.. Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt CLB, nhiệt tình truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ. Để duy trì hoạt động thường xuyên, các CLB còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, trang phục, nhạc cụ,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các CLB cũng như các kì Liên hoan dân ca. Số người biết truyền dạy một cách bài bản và có kỹ thuật không còn nhiều, truyền dạy chủ yếu bằng phương thức truyền miệng và dưới hình thức sinh hoạt CLB. Số nghệ nhân lưu giữ các làn điệu gốc hầu hết đã qua đời, số còn lại cũng đã già yếu, khả năng trao truyền ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó lớp trẻ lại ít người hào hứng học. Sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng đến đời sống vật chất và tinh thần của các nghệ nhân còn quá ít ỏi. Kinh phí đầu tư của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đến lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể nói chung và dân ca Ví, Giặm nói riêng hết sức hạn chế và chưa có cơ chế, chính sách riêng dành cho lĩnh vực này.

Để hoạt động Câu lạc bộ Ví, Giặm ngày càng lớn mạnh, cần giữ vững phương pháp truyền khẩu: những người biết nhiều truyền cho những người biết ít, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau; Tổ chức các lớp dạy học đông người; Đưa dân ca vào các Hội nghị, trong sinh hoạt cộng đồng, qua báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm xuống từng làng xã, thôn, xóm, vào các ngành nghề, cơ quan đơn vị, từng vùng dân cư với tinh thần chú trọng chất lượng hơn số lượng; Duy trì tổ chức Liên hoan, thi hát dân ca Ví, Giặm hàng năm và mở ra ở các cấp, các ngành, các đoàn thể và quân đội; Tổ chức tập huấn cho các câu lạc bộ dân ca hàng năm, chú trọng cho đội ngũ tác giả dân ca Ví, Giặm; Gắn kết Ví, Giặm vào các chương trình văn nghệ phục vụ Lễ, Hội, làng nghề, Đoàn thể, hiếu, hỉ và trong các buổi sinh hoạt hội họp ở các khối dân cư; Cần có cơ chế ưu đãi, chính sách khen thưởng và chế độ bồi dưỡng nghệ nhân, cho người truyền dạy thích đáng; Duy trì việc phong tặng nghệ nhân để động viên tinh thần cho họ; Ngân sách cho hoạt động các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm phải trở thành một hạng mục trong kế hoạch chi ngân sách hàng năm; Hoạt động bảo tồn phải bằng hình thức phát huy hay còn gọi là bảo tồn sống. Có như thế thì loại hình di sản này mới được cọ xát, mài dũa và sẽ cho kết quả “ngọc càng mài càng sáng”./.

 

 Nguyễn Hồng Hà

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon