Như mọi loại hình nghệ thuật dân gian khác, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng có quá trình biến đổi, phát triển vừa để hoàn thiện mình, vừa để thích ứng tốt với điều kiện lịch sử mới trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Như mọi loại hình nghệ thuật dân gian khác, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng có quá trình biến đổi, phát triển vừa để hoàn thiện mình, vừa để thích ứng tốt với điều kiện lịch sử mới trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Từ khi ra đời đến nay, có lúc thăng, trầm do hoàn cảnh chiến tranh, song nhìn chung, lịch sử của Ví, Giặm là lịch sử liền mạch xuyên suốt quá trình ứng xử với tự nhiên, xã hội, ứng xử giữa con người với nhau của các thế hệ người dân Nghệ Tĩnh qua nhiều trăm năm, luôn được trao truyền, gìn giữ và phát triển, cả bề rộng lẫn bề sâu mà chưa hề đứt quãng. Phải sinh tồn trong cộng đồng người Nghệ qua hàng trăm năm mới thấy được sự trưởng thành của dân ca Ví, Giặm. Từ sơ khai với những bài ca lao động, những bài ca giao gửi gắm nỗi niềm tâm sự… qua cuộc sống của người Nghệ chúng được nâng cao, hoàn thiện dần, để rồi, đến những năm đầu thế kỷ XVII – XVIII trở đi, hát Ví, Giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động bình dân, tiêu biểu như Ả Sạ, O Uy (nổi tiếng về hát phường vải Trường Lưu) đến các nhà khoa bảng, thầy đồ và tri thức đương thời, tiêu biểu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh, nhà khoa bảng Đinh Viết Thận,…
Tham gia hát Ví, Giặm họ thường làm “thầy bày”, “thầy gà” cho bên nam hoặc bên nữ, một số người cũng trực tiếp hát. Đến giữa thế kỷ XIX trở đi cho đến khoảng năm 1945 (tức đến giữa thế kỷ XX), dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi, bên cạnh hình thức sinh hoạt tự túc, bình dân gắn với lao động nghề nghiệp như quay tơ dệt vải, cày cấy, trèo non hay chèo thuyền trên sông nước… đã hình thành một số trung tâm gắn với sự tham gia tích cực của các nhà khoa bảng, các nhà nho yêu nước, tiêu biểu như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương…
Bởi vậy, bên cạnh những nội dung bài bản dân gian, Ví, Giặm còn có nội dung thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc với cách diễn đạt sang trọng, bác học. Từ 1945 đến nay, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, về hình thức thể hiện, về đề tài phù hợp với sự thay đổi của hình thái kinh tế – xã hội và nhu cầu của công chúng. Có thể tạm chia ra các giai đoạn nhỏ gắn với các mốc thay đổi của lịch sử, của hình thái kinh tế – xã hội như sau: Từ 1945 – 1975, giai đoạn này đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, cộng đồng không có không gian văn hóa để sinh hoạt, không khí chiến tranh không cho phép tụ tập đông người, nhân lực dốc vào nhiệm vụ phục vụ chiến tranh, mọi nhiệm vụ khác đều tạm gác lại, cả nước đều có chung mục tiêu là kháng chiến chống giặc ngoại xâm và độc lập dân tộc, tất cả phục vụ cho tiền tuyến. Vì thế mà sinh hoạt Ví, Giặm ở các làng, xã không được quan tâm và không được diễn ra thường xuyên và công khai như trước. Sinh hoạt dân ca dưới hình thức cộng đồng, tập thể bị lắng xuống.
Người dân không còn tụ họp hát phường, hát hội với tính chất giải trí hay trao gửi tâm tình như xưa nữa. Thay vào đó, dân ca đã được sinh hoạt dưới một hình thức mới, bên cạnh việc trực tiếp phục vụ lao động, sản xuất ở địa phương như trước đây thì giai đoạn này, dân ca được đưa vào cổ vũ, động viên tinh thần cho bộ đội trong chiến trường. Với một loạt các phong trào, tiêu biểu như phong trào “tiếng hát át tiếng bom”,.. dân ca Ví, Giặm bắt đầu đã được sử dụng để sáng tác thành những vở kịch hát ngắn gọn để sử dụng phục cụ kháng chiến trên chiến trường. Từ 1976 – 1995, thời kỳ này hòa bình được lập lại, đất nước hình thành nhiều tổ chức làm ăn kinh tế mới làm cho xã hội có sự thay đổi, kéo theo đời sống văn hóa có nhiều thay đổi trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh. Để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống hiện đại, dân ca cũng được chuyển hóa từ hình thức diễn xướng dân gian lên hình thức diễn xướng chuyên nghiệp. Để phù hợp với bước chuyển hóa đó thì Đoàn kịch hát dân ca được ra đời, rồi đến Nhà hát dân ca Nghệ An nay là Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ với hàng chục vở diễn đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc trong các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp như các vở diễn: Không phải tôi, Mai Thúc Loan, Chuyện tình ông vua trẻ,…
và sau này với các vở diễn như: Soi vào quá khứ, Một cây làm chẳng nên non, Người thi hành án tử, Đường đua trong bóng tối. Có thể khẳng định đây là giai đoạn thể nghiệm thành công sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Sự thể nghiệm này đã làm nên một sự nghiệp lớn “Sự nghiệp sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh” đã được cả nước công nhận, đặc biệt giới nghệ thuật sân khấu công nhận. Như vậy, trong đại gia đình sân khấu kịch hát dân tộc Việt Nam có thêm một bộ môn kịch hát dân ca, trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh, hay còn gọi kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Từ 1995 đến nay, đất nước đã đi vào ổn định, đời sống kinh tế được cải thiện, kéo theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng nâng lên. Ở các địa phương đã có sự quan tâm và đầu tư kinh phí của các cấp chính quyền và các cấp quản lý văn hóa. Vì thế sinh hoạt dân ca đang dần được phục hồi trở lại, nhưng không phải bằng hình thức hát phường, hát hội như xưa.
Giờ đây dân ca được sinh hoạt trong các đội văn nghệ, các lễ mít tinh, hội họp đoàn thể, lễ hiếu, hỉ, mừng sinh nhật, mừng thọ,… Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế hội nhập và phát triển, kéo theo sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa thì dòng nhạc truyền thống trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh đang bị lấn át và có nguy cơ mai một dần. Trước tình hình đó để dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại, phát triển phù hợp và thích ứng với tình hình mới, Nghệ An và Hà Tĩnh đã sớm thành lập Trung tâm bảo tồn dân ca và Nhà hát truyền thống, bước đầu tạo ra phong cách chuyên nghiệp trong quá trình bảo tồn, truyền dạy cũng như góp phần tạo sự lan tỏa, truyền bá di sản văn hóa địa phương qua thực tiễn cũng như các phương tiễn truyền thông. Cụ thể: khẳng định và đẩy mạnh con đường sân khấu hóa dân ca, tích cực thành lập câu lạc bộ dân ca ở các địa phương, đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức các kỳ thi liên hoan dân ca hàng năm,…
Như vậy, mặc dù đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, lịch sử xã hội có nhiều thay đổi, có thể dân ca phải tồn tại dưới các hình thức khác nhau để phù hợp và thích ứng với tình hình đất nước. Nhưng có thể khẳng định rằng dân ca Nghệ Tĩnh từ sơ khai đến ngày nay dù lúc thăng lúc trầm, đó là một sự phát triển xuyên suốt và không hề đứt quãng. Ngược lại nó đã cho ta thấy một sức sống mạnh liệt, thấy được những giá trị đặc sắc của loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này. Nó trở thành món ăn tinh thần không chỉ của riêng 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh mà của cả người dân ở hầu khắp mọi vùng miền nước Việt./.
Nguyễn Hồng Hà