Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là tài sản quý báu của cha ông để lại, được lưu truyền cho đến hôm nay. Vì vậy, việc bảo tồn phát huy các giá trị quý báu đó là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, và là niềm hạnh phúc, tự hào của người dân xứ Nghệ, trong đó có những người trực tiếp làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản như các thế hệ anh em nghệ sỹ, nhạc sỹ,… chúng tôi.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là tài sản quý báu của cha ông để lại, được lưu truyền cho đến hôm nay. Vì vậy, việc bảo tồn phát huy các giá trị quý báu đó là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, và là niềm hạnh phúc, tự hào của người dân xứ Nghệ, trong đó có những người trực tiếp làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản như các thế hệ anh em nghệ sỹ, nhạc sỹ,… chúng tôi.
Từ trước những năm 60 (của TK XX), giữa lúc chiến tranh đang còn ác liệt, cái sống cái chết liền kề nhau, lãnh đạo Tỉnh đã có chủ trương giao ngành Văn hóa thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn và nghiên cứu văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh. Lúc bấy giờ, lãnh đạo Ty Văn hóa Nghệ An và các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, các nghệ sỹ, nhạc sỹ,… như ông: Trần Nguyên Trinh (Trưởng Ty), Nguyễn Trung Phong, Trần Hữu Thung, Nguyễn Trung Đính, Hoàng Thọ,… trong đó người trẻ nhất là An Thuyên mới 17 tuổi. Quãng thời gian đó (khoảng từ 1960 – 1980) văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng đã được lộ diện một cách tổng thể.
Lúc bấy giờ, hành trang đi theo họ sưu tầm trên khắp các vùng quê chỉ là 1 chiếc máy ghi âm R5 của Đông Đức, một chiếc xe đạp “trâu” Liên Xô (được Ty Văn hóa cấp cho), mấy cuộn băng “cối” lớn (xin ở đài phát thanh tỉnh, rồi hý hoáy cả tháng trời làm thành những cuộn băng nhỏ bằng nhôm, san băng cắt thành những cuốn nhỏ), cùng với mấy chục đôi pin con thỏ bên thương nghiệp cấp, thế là mũ lá, dép cao su lên đường đi sưu tầm cả mấy năm trời liền. Suốt một dải sông Lam từ Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên về Cửa Hội, qua Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành về Nghi Lộc,… cứ thế lầm lũi đi, ghi chép, học hỏi, mặc đạn bom, mặc sốt rét ác tính, ngã nước “thập tử nhất sinh”… “Tôi còn nhớ rõ có một hội nghị tổ chức bên Hà Tĩnh trong một hội trường sơ tán, mấy chục con người đang cãi nhau sai đúng thì bom Mỹ thả cách đó vài ba trăm mét, mọi người vơ vội tài liệu chạy xuống hầm trú ẩn, máy bay cút rồi lại kéo nhau lên tiếp tục cãi nhau, lại sai sai, đúng đúng… Ôi, lớn lao làm sao” (theo lời kể của Nhạc sỹ An Thuyên trong một cuộc trao đổi với Tạp chí Văn hóa Nghệ An, tháng 6/2012). Mấy năm trời với hàng trăm cuốn băng tự tạo đã thu được hàng trăm bài hát giá trị của các nghệ nhân trong toàn tỉnh. Trong đó những người có công đi đầu phải kể đến như: Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Tất Thứ, Trần Hữu Thung (văn học dân gian). Bên âm nhạc có Đào Việt Hưng, Hồ Thoa, Lê Hàm, Thanh Tùng, Mai Hồng, Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế, An Thuyên,… các nghệ sỹ Đức Duy, Xuân Năm, Song Thao, Đình Bảo, Nam Trung, Thanh Tùng,… và không thể nào quên được ông Nguyễn Trung Phong người đã viết làn điệu “Giận mà Thương” để đời, có thể nói đây là bài hát dân ca Nghệ Tĩnh hay nhất mọi thời đại. Đấy là ở miền xuôi, còn ở miền núi có ông Hoàng Thọ, Xuân Đàm, Ngân Văn Nguyên, Lĩnh Chất, Sầm Nga Di, Thanh Xuân… Tất cả những dữ liệu đó là những viên gạch đầu tiên để đặt nền móng, đặt cơ sở cho sự phát triển sau này.
Năm 1973, trên cơ sở cứ liệu đó, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương đưa dân ca lên sân khấu kịch hát và đã thành lập Đội thể nghiệm dân ca Nghệ Tĩnh, và sau đó là Đoàn dân ca do ông Đặng Thanh Lưu làm trưởng Đoàn. Đây là một trong những nhiệm vụ bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm. Chính vì thế các làn điệu dân ca được bảo tồn một cách chuyên trách hơn. Trong đó phải kể đến những con người như: Đình Bảo, Văn Thế, Thanh Lưu, Lê hàm, Vi Phong,… Họ đã đến tận từng cơ sở để tìm gặp các nghệ nhân như cụ Yêm (Anh Sơn), cụ Đức Duy (Hà Tĩnh), cụ Phương mù hát xẩm ở Đô Lương,… để tìm các làn điệu Ví, Giặm, để sưu tầm nghiên cứu và biên tập, phân loại, in ấn tạo thành những cuốn sách dân ca Nghệ Tĩnh. Giai đoạn này, chúng ta đã đưa được một số làn điệu dân ca lên sân khấu kịch hát. Những làn điệu đó góp phần khẳng định loại hình sân khấu kịch hát mang tính địa phương.
Đến đầu những năm 90, khi có chủ trương sát nhập các Đoàn Nghệ thuật truyền thống lại với nhau (gồm Đoàn Chèo, Cải Lương, Dân ca) thành Nhà hát dân ca và sau này là Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ để tập hợp những nhạc sỹ, nghệ sỹ, diễn viên tài năng, tiêu biểu… tiếp tục làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Và cũng từ đây (1990), ban lãnh đạo Đoàn đã có ý tưởng và kế hoạch xây dựng một Trung tâm Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để tập trung tinh hoa xây dựng nên một kịch chủng sân khấu kịch hát và làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh. Trong lĩnh vực sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh, biết bao vở diễn đã ra đời, đạt nhiều Huy chương, giải thưởng, khẳng định được vị trí trong làng kịch hát truyền thống, các tác phẩm tiêu biểu như: Mai Thúc Loan, Cô gái Sông Lam, Chuyện tình ông vua trẻ, Soi vào quá khứ, Một cây làm chẳng nên non, Đường đua trong bóng tối… trong đó không thể không nhắc đến công lao đóng góp xuất sắc của các tác giả, các nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhạc công, các nhà đạo diễn, biên đạo múa, họa sỹ sân khấu: Nguyễn Trung Phong, Phan Lương Hảo, Hồ Hữu Thới, Vi Phong, Xuân Huyền, Lê Hùng, Vũ Hải, Đình Bảo, Phạm Thị Thành, Thanh Lưu, Tiến Dũng, Ngọc Ất, Hồng Lựu, Đình Đắc, An Ninh, Phan Thành, Danh Cách, An Phúc,… Trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, nhiều thế hệ nghệ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên đã lăn lộn xuống tận cơ sở, đi vào từng thôn xóm, từng gia đình để sưu tầm, nghiên cứu, học hát, học các trò diễn xướng dân gian qua các nghệ nhân,… Nhất là từ khi Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ ra đời (2009), nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ càng được đẩy mạnh. Giai đoạn này đội ngũ cán bộ Trung tâm đã đi về từng địa phương để thành lập nên mạng lưới câu lạc bộ, xuống từng cơ sở để làm công tác sưu tầm trong nhân dân, để ghi âm lại những làn điệu dân ca cổ ở các nghệ nhân đã lớn tuổi, để chắt chiu từng câu Ví, Giặm, để chắt lọc từng viên ngọc trong dân gian để in ấn thành sách, thành các băng đĩa cho các nghệ sỹ học, rồi sau đó trở lại các địa phương để phổ biến rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân, cho các nghệ nhân, xây dựng các trò diễn xướng dân gian, các đối ca, hoạt ca, hoạt cảnh cho các câu lạc bộ. Hơn 40 năm qua, từ Đội thể nghiệm dân ca đến Đoàn dân ca Nghệ An (1973), Nhà hát dân ca Nghệ An (2000), Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ (2009). Đến nay, thì không thể không nhắc tới tên tuổi của những người trực tiếp làm công tác quản lý, những người đã đứng mũi chịu sào như Nhạc sỹ Thanh Lưu, NSƯT Ngọc Ất, NSND Hồng Lựu, Nam Trung, Đình Đắc,… để đưa con thuyền dân ca đi đúng hướng và gặt hái được thành quả như hôm nay.
Công tác Sưu tầm, nghiên cứu từ những bước đi ban đầu đã khó, nay bảo tồn và phát huy chúng trong xã hội đương đại lại càng khó khăn hơn, đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi mà chỗ đứng cho thể loại văn hóa truyền thống nói chung, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng bị co hẹp lại, điều đó làm cho các nhà quản lý Trung tâm dân ca xứ Nghệ phải tìm mọi cách để dân ca vẫn được duy trì, phát triển và một câu hỏi đặt ra cho cả Trung tâm là phải làm gì để Ví, Giặm ngày càng được phát huy sâu rộng hơn trong cộng đồng đương đại? Thực hiện chủ trương của tỉnh, được sự chỉ đạo trực tiếp của ngành, anh em Trung tâm lại lăn lộn về các địa phương để tiếp tục gây dựng lại các phong trào hoạt động dân ca, cùng địa phương tạo nên các hoạt động sôi nổi như hướng dẫn cho các câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên hoặc theo định kỳ hàng tuần hàng tháng, tổ chức các hội thi hội diễn về dân ca giữa các câu lạc bộ, các đội văn nghệ trong huyện, ngoài huyện với nhau,… tạo sự yêu thích dân ca cho mọi tầng lớp nhân dân, từ đó nhân rộng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ ra nhiều địa phương trong tỉnh, tạo một phong trào yêu thích dân ca ở khắp mọi nơi. Song song với đó, là các hoạt động đưa dân ca vào trường học cho các em học sinh ở các cấp học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức nhiều lớp tập huấn về dân ca cho các địa phương, kết hợp với đài truyền hình xây dựng nhiều bộ phim khoa học về dân ca Ví, Giặm, như: Quê Bác một vùng dân ca, Tìm về câu hát Ví, Một miền Ví Giặm, Ân tình xứ Nghệ,… Ngoài ra, công tác biên soạn, in ấn những đầu sách, các băng đĩa dân ca được đẩy mạnh như: Tuyển tập dân ca xứ Nghệ, Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh,… để làm tư liệu đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nhờ đó, Ví, Giặm không chỉ được duy trì mà đã được phát huy sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Đến nay cả 2 tỉnh đã thành lập được 145 câu lạc bộ dân ca trong đó Nghệ An có 90 câu lạc bộ, Hà Tĩnh có 55 câu lạc bộ và con số này không ngừng được tăng lên. Liên hoan câu lạc bộ dân ca được diễn ra thường xuyên (1năm 1 lần ở cấp tỉnh, 2 năm 1 lần cấp liên tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Dân ca Ví, Giặm đã trở thành nhu cầu trong đời sống thường nhật của người dân xứ Nghệ, từ việc ma chay, cưới hỏi, lễ, tết, mừng thọ, hội nghị,… và sinh hoạt cộng đồng. Có thể nói dân ca Ví, Giặm đã thực sự ăn sâu bám rễ trong mọi tầng lớp nhân dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của người xứ Nghệ. Thời khắc 23h10p – giờ Việt Nam, ngày 27/11/2014 tại Pari thủ đô nước Pháp, khi được tổ chức UNESCO công bố vinh danh “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, anh em nghệ sỹ thao thức chờ đợi đến giây phút ấy trong niềm vui vỡ òa và thấy rằng thành quả đó cũng bõ công sức của các thế hệ anh em nhạc sỹ, nghệ sỹ, diễn viên, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm… cùng với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng. Hạnh phúc gì bằng khi một tài sản văn hóa của cha ông để lại ở một vùng quê xứ Nghệ nay đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. Đó là hạnh phúc, niềm vui từ mồ hôi và nước mắt, và cả sự nhọc nhằn của biết bao nhiêu thế hệ làm nên. Với chúng tôi, những con người trực tiếp làm công tác này cũng như nhân dân Nghệ Tĩnh càng phải đặt trên vai mình ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy để Ví, Giặm mãi xứng đáng là di sản thế giới, là viên ngọc quý của nhân loại./.
NSƯT Nguyễn Ngọc Ất
GĐ Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ