Nguyễn Trung Phong và anh nông dân viết kịch

Nói đến ông – Nguyễn Trung Phong là những người quan tâm văn hóa, văn nghệ Nghệ An đều không quên nhắc đến vở chèo nổi tiếng Cô gái Sông Lam và làn điệu Giận thương cả nước biết đến và nhầm tưởng là dân ca cổ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tác giả biên kịch Nguyễn Trung Phong chỉ là anh nông dân làm văn hóa rồi trưởng thành mà không qua một trường lớp sáng tác nào.

Nói đến ông – Nguyễn Trung Phong là những người quan tâm văn hóa, văn nghệ Nghệ An đều không quên nhắc đến vở chèo nổi tiếng Cô gái Sông Lam và làn điệu Giận thương cả nước biết đến và nhầm tưởng là dân ca cổ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tác giả biên kịch Nguyễn Trung Phong chỉ là anh nông dân làm văn hóa rồi trưởng thành mà không qua một trường lớp sáng tác nào.
Sinh ra ở vùng quê nghèo (Diễn Minh, Diễn Châu) giàu truyền thống văn hóa đã hình thành nên một Nguyễn Trung Phong vừa mộc mạc dản dị vừa sâu lắng ân tình như điệu hát giận mà thương do ông cải biên. Ông viết nhiều vở kịch về đề tài cách mạng và đời sống nông dân nông thôn, đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Nghệ An những năm chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu là vở Cô gái Sông Lam.
Năm 1959, Đoàn Văn công nghệ An được thành lập, lúc đó Nguyễn Trung Phong là cán bộ của Ty Văn hóa, được giao nhiệm vụ viết một vở chèo kỷ niệm 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh. và là để cho Đoàn tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc (toàn miền Bác), NSƯT Đình Bảo kể lại: Lúc đó anh Phong rất lo lắng bởi chèo là môn nghệ thuật chỉ phát triển ở đồng bằng Bắc bộ, trong khi nhiều diễn viên Đoàn Văn công Nghệ An chưa từng được học tập bộ môn nghệ thuật này. Vậy nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ông đã viết xong vở chèo Cô gái Sông Lam với bối cảnh là một vùng quê ven sông Lam, huyện Thanh Chương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ đã vùng lên đấu tranh chống lại ách thực dân phong kiến lập nên chính quyền Xô viết công nông trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931),.
Năm 1960, vở Cô gái Sông Lam lần đầu tiên được công diễn phục vụ kỉ niệm 30 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Sau nhiều lần chỉnh sửa với sự tư vấn của các nghệ sĩ Chèo bậc thầy ở trung ương, vở Cô gái Sông Lam đã tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962 và giành được Huy chương Vàng cho vở diễn cùng ba HCV cá nhân là: vai chị Nghệ, tác giả, đạo diễn, (âm nhạc xuất sắc nhất), bốn Huy chương Bạc cho các vai: Bà Nghệ, Mẹ mõ, Lý trưởng, Chánh tổng. Vở diễn này được giới chuyên môn đánh giá rất cao, Cô gái Sông Lam đã nâng chèo Nghệ An ngang tầm với chèo Bắc bộ.
Một sự kiện hết sức lớn lao lúc bấy giờ là Đoàn Chèo Nghệ An được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn vở Cô gái Sông Lam cho Bác Hồ xem (tối 27/5/1962). Xem xong Bác ân cần hỏi han và chia kẹo cho anh chị em trong đoàn. Rồi Bác hỏi: Ai là tác giả kịch bản? Anh Nguyễn Trung Phong từ từ bước lên – Dạ thưa Bác cháu ạ! Thế là Bác tặng luôn Huy hiệu của Người cho tác giả, Nguyễn Trung Phong ngất đi vì quá xúc động… Một vinh dự nữa là vở Chèo lại được chọn phục vụ hội nghị Trung ương 7 khóa III tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau đấy rất nhiều cơ quan ở Hà Nội và các tỉnh bạn liên tục mời đoàn đến biểu diễn.
Năm 1975, sau khi Đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập, vở Chèo Cô gái Sông Lam được chuyển thể sang Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. bởi chất liệu Ví Giặm rất phù hợp với tính cách và tâm hồn con người Nghệ, do đó việc thể nghiệm sân khấu hóa dân ca cho vở này rất thành công. được khán giả trong và ngoài tỉnh đón nhận hết sức nồng nhiệt. Cô gái Sông Lam lúc bấy giờ đã trở thành một hiện tượng, một cơn sốt.
Sau tiếng vang của vở chèo Cô gái Sông Lam (1962), năng lực sáng tạo của tác giả Trung Phong càng được khẳng định. Năm 1969 ông viết tiếp vở chèo Hạt lúa quê ta cho Đoàn tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 1970 tại Nam Định. Vở diễn này cũng được tặng Huy chương Bạc. Sau đấy, từ Trưởng phòng Văn nghệ ông được đề bạt lên Phó Trưởng Ty Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh.
Sở trường của ông là viết kịch bản chèo, nhưng từ phong trào Tiếng hát át tiếng bom trong văn nghệ quần chúng những năm sáu mươi (Thập kỷ XX), ông đã viết cả kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh với vở Khi ban đội đi vắng. Năm 1971, vở này được Đoàn Dân ca – Chèo Nghệ An chỉnh sửa dàn dựng. Một trong những vấn đề cốt yếu để kịch hát Nghệ Tĩnh đáp ứng được các sắc thái cung bậc tình cảm (hỉ nổ ai lạc ái ố dục) là phải sân khấu hóa dân ca, cải biên thêm các làn điệu mới. Nhạc sĩ Thanh Lưu là người trực tiếp viết nhạc cho vở này, ông đã cải biên thêm một số làn điệu khá thành công như Hát khuyên, Kế lập lờ, lập lòe, Nghĩa vợ tình chồng, Nổi trống lên vào hội Đông Xuân… Điều đặc biệt tôi muốn nói tới tác giả Nguyễn Trung Phong là từ 1967, khi đội văn nghệ xã Diễn Mình dàn dựng đầu tiên vở Khi ban đội đi vắng do ông sáng tác, trong đó có lớp kịch anh chồng (anh Thành) bị rủ rê ngược Lường buôn bán, người vợ (chị Tâm) tìm cách ngăn chồng ở nhà lo việc đồng áng với bà con xã viên HTX, nhưng anh chồng nhất thiết không nghe, quyết đi buôn bằng được. Ở lớp kịch này, nếu chỉ hát Ví Giặm gốc thôi thì không thể biểu đạt được tâm trạng giằng xé này. Ông trằn trọc bao đêm, máu đam mê nghề nghiệp và năng khiếu bẩm sinh, nên dù không biết một nốt nhạc ông vẫn sáng tạo nên một làn điệu dân ca nổi tiếng cả nước “Giận mà thương”. Đó là câu tâm tình của người vợ nhỏ nhẹ khuyên can chồng bằng mọi lý lẽ, tình cảm mà cho đến nay rất nhiều người lầm tưởng là dân ca cổ. Điệu hát này đã trở thành bài tủ cho nhiều ca sĩ chuyên nghiệp suốt mấy thập niên qua.
Theo nhạc sĩ Văn Thế, hồi đó ông nhận nhiệm vụ dẫn đưa nhạc sĩ Đỗ Nhuận đi sưu tầm dân ca. Một buổi chiều, ngồi nói chuyện tại văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An sơ tán ở Thượng Sơn (Đô Lương), Văn Thế hát Giận mà thương cho Đỗ Nhuận nghe và ghi âm, nhưng vô tình không nói rõ tác giả là Nguyễn Trung Phong, Đỗ Nhuận cứ tưởng là dân ca Nghệ Tĩnh. Ít lâu sau, Bác Hồ mất. Cảm xúc dâng trào, từ bài Giận mà Thương ông chỉnh biên thành bài hát nổi tiếng Trông cây lại nhớ đến Người. Bài hát đăng trên báo Lao động, đề sáng tác Đỗ Nhuận. Văn Thế đọc được mới giật mình báo lại cho Đỗ Nhuận Giận mà Thương có tác giả, nhạc sĩ bảo: Ra thế à. Lần đăng báo sau đó, Đỗ Nhuận đã sửa lại: Chỉnh biên Đỗ Nhuận. Ngay cả câu hát: Ai biết nước Sông Lam răng là trong, là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh. Thuyền em lên thác xuống ghềnh. Nước non là nghĩa là tình ai ơi hẳn đến giờ mọi người đều nghĩ là câu dân ca cổ, nhưng thực ra đó là câu hát trong vở chèo Cô gái sông Lam do Nguyễn Trung Phong sáng tác. Có thể nói ông không sáng tác nhiều làn điệu bài bản dân ca mới nhưng chỉ với Giận mà thương thôi cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao: Hơn 40 năm thử nghiệm kịch hát Nghệ Tĩnh đã có hàng chục làn điệu cải biên, đến nay nó vẫn là làn điệu hay nhất, vượt qua không gian Nghệ Tĩnh, lan tỏa khắp mọi miền đất nước được mọi người yêu thích .
Những năm 70-80 của thế kỉ XX, thử nghiệm Kịch hát Nghệ Tĩnh vừa mới được khởi xướng, là một vấn đề luôn gây tranh cãi, có lúc căng thẳng đập bàn đập ghế trong nhiều cuộc tọa đàm học thuật, bởi hai luồng ý kiến: Tán thành và không tán thành sân khấu hóa dân ca ví giặm. Nguyễn Trung Phong là người rất sốt sắng ủng hộ sự nghiệp sân khấu hóa dân ca, nhiệt tình đóng góp xây dựng Kịch hát Nghệ Tĩnh.
Đến giờ phút này, niềm tin vững chắc của ông đã được các đồng nghiệp, các thế hệ kế tiếp khẳng định: Kịch hát Nghệ Tĩnh là một kịch chủng trong đại gia đình Kịch hát dân tộc Việt Nam. “Ông là một người hiền hậu hóm hỉnh tài hoa và có lẽ ông cũng là một tác giả sân khấu bậc nhất ở Nghệ An. Dù nay đã đi xa về cõi vĩnh hằng nhưng những tác phẩm nghệ thuật sân khấu Chèo của ông: Cô gái Sông Lam, Hạt lúa quê ta, Vẫn còn ra trận và điệu hát Dận thương vẫn sống mãi trong tâm thức của người dân xứ Nghệ…
ThúyHoa

Post by: Phu van

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon