Một đời vì văn học dân gian xứ Nghệ

Nực cười cho bác Viết Giao

Quê hương Thanh Hóa lại vào Nghệ An

Sưu tầm văn học dân gian

Bàn chân trải khắp trên ngàn dưới sông

Dạo chơi Nam Bắc Tây Đông

Bạn bè sum họp, vợ chồng cách xa.

Phó Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học dân gian Ninh Viết Giao, nhân vật trong bài nhại thơ Tự trào của thi sĩ Tản Đà vừa ra đi vào sáng 8/3 tại tư gia ở thành phố Vinh, hưởng thọ 84 tuổi. Gần 20 năm nay chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo- ung thư biểu mô (tuyến giáp thể) với hơn 10 lần mổ rồi hóa trị, xạ trị, mà hầu như năm nào cũng có sách được xuất bản. Thầy (chúng tôi là học trò cấp ba) đã đi chặng cuối của cuộc đời nhà giáo- nhà sưu tầm- nghiên cứu văn học dân gian bền gan, vững chí, không chỉ mở đường mà còn kịp tạo lập nên cả một kho tàng văn bản về văn hóa phi vật thể đồ sộ của xứ Nghệ, điều mà cho đến nay chắc không địa phương nào sánh kịp.

Quê ở làng Đông Thôn xã Hoằng Xuyên- Hoằng Hóa- Thanh Hóa, nhưng năm 1956, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội lớp đầu tiên, Ông được điều về dạy ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng thành phố Vinh- Nghệ An, rồi lại chuyển về trường Sư phạm Trung học Nghệ An. Sau 10 năm vừa dạy học vừa say sưa sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, Ông nhận được một quyết định đặc biệt của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng, điều về làm cán bộ biệt phái của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh với nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu văn thơ cách mạng và văn hóa văn nghệ dân gian xứ Nghệ. Chính chủ trương đột xuất mạnh dạn và sáng suốt, ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, tạo cho Ông có một thời gian quý báu để chuyên tâm làm công việc mà mình yêu thích.

Cho đến nay, trên cả nước, có một người am hiểu sâu rộng và làm được nhiều nhất trong việc khai thác các thứ quặng phi vật thể trong lòng trí người dân Nghệ Tĩnh, rồi sắp đặt hệ thống, tạo nên hình thù rõ ràng, đường nét phân minh của đời sống tâm hồn, tình cảm, tính cách dân xứ Nghệ, thì chắc ai cũng đồng ý, chính là Ông Ninh Viết Giao. Một phần kết quả ấy được công bố trong hơn 50 công trình lớn nhỏ với hàng chục vạn trang sách. Từ Câu đố Việt Nam (xuất bản 1956), Hát phường vải (1961), Hát giặm Nghệ Tĩnh (viết chung với Nguyễn Đổng Chi- 2 tập- 1962-1963), Ông đã mở rộng phạm vi nghiên cứu sang nhiều lĩnh vực thuộc địa phương học: Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ- 4 tập, Kho tàng vè xứ Nghệ- 9 tập, Ca dao Xứ Nghệ, Truyện cổ Thái, các sách về địa chí tỉnh và huyện, văn hóa tâm linh, từ Tục thờ thần và Thần tích, Hương ước, Làng nghề, Ẩm thực dân gian… Không chỉ tự mình làm, nhiều năm, với tư cách Tổng Thư ký rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian của Tỉnh, Ông đã tổ chức cho nhiều người cùng tham gia sưu tầm và biên soạn nhiều công trình văn hóa có giá trị.

Mươi năm gần đây, khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, sẵn sàng hội nhập với thế giới, cả nước đã có ý thức sưu tầm, tôn tạo và bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nơi thể hiện nội dung và bản sắc văn hóa các dân tộc trong một quốc gia đa sắc tộc. Nhưng từ gần 60 năm trước, thầy giáo cấp 3 mới ra trường đã sớm chọn cho mình hướng đi này và kiên nhẫn duy trì sự lựa chọn đó. Đây là sự lựa chọn thể hiện tầm nhìn của một trí thức trẻ sớm hiểu rõ vai trò của văn hóa truyền thống dân tộc được cất giữ trong văn học dân gian. Niềm mê say, tình yêu dĩ nhiên là cần thiết ở điểm xuất phát lựa chọn. Mấy năm hòa bình ở Miền Bắc sau kháng chiến chống Pháp, công tác ở một miền đất có vốn văn hóa và bản sắc vừa giàu có vừa rõ nét là Nghệ Tĩnh, lại ở thời điểm mà thế hệ còn lưu giữ được vốn văn hóa này chưa già lắm, trong một môi trường sống chưa có nhiều thay đổi ở các vùng quê là một thuận lợi lớn cho công việc sưu tầm. Khi dạy ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, cũng như Sư Phạm trung học, Thầy luôn vận động được đông đảo học sinh, hầu hết là ở nông thôn và rải đều ở tất cả các huyện, xã trong tỉnh, từ miền biển, đồng bằng, miền núi, và các học sinh người dân tộc tham gia sưu tầm sau khi được Thầy hướng dẫn cách làm trong các dịp nghỉ hè. Mấy năm về làm chuyên trách, đặc biệt, khi Nghệ Tĩnh thành một tuyến lửa ác liệt, Thầy vẫn một mình một xe đạp tòng tọc tới từng làng, bản, nhiều nơi phải đi bộ, để gặp gỡ, trò chuyện, tâm tình, gợi mở, tạo độ tin cậy cần thiết để có thể tiếp cận các thế giới tâm tình, nơi gìn giữ những vỉa quặng văn hóa tinh thần của từng vùng quê, mà cuộc sống mới, với bao biến động lớn đã dìm nó trong quên lãng. Những năm chiến tranh phá hoại, nơi từng phất cao ngọn cờ Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ, người dân và cả chính quyền cơ sở luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với người lạ, người đó lại chỉ chú ý đến ca dao, hò vè, hát ví, hát giặm, nơi chứa giữ toàn đạo lý, tâm tình xưa cũ, không phù hợp chút nào với công tác tư tưởng giáo dục ý chí chiến đấu thời chiến. Nhất là khi nội dung văn học dân gian toàn phê phán, giễu cợt kẻ quyền thế, còn lại đa phần là chuyện tình cảm lứa đôi với những trắc trở, nhỡ nhàng, lầm lạc, chia ly, tan tác, trái ngang… Nhiều dịp như thế, nhờ lớp học trò giờ đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác ở khắp nơi mà giải quyết được. Cũng không thể quan liêu, đại khái, một lần làm con chuồn chuồn đớp nước mà nhặt được những hạt ngọc của văn học dân gian. Phải mất thời gian, tạo nên sự gần gũi, tin cậy, người ta mới thổ lộ tâm tình và đánh thức được những câu ca, lối hát, bài vè đã lặn sâu trong ký ức người dân quê. Người ta nói, trí nhớ kỳ diệu của con tim còn mạnh hơn vạn lần ký ức của lý trí. Có tái tạo được không gian tinh thần cho hoạt động văn hóa, những bài ca dao, hò vè, ví, giặm, hát nói, hát phường vải… mới có dịp hồi sinh trong lòng trí những người đã từ lâu ngỡ quên hết mọi làn điệu, lời ca xưa cũ. Có kết quả được công bố, tất nhiên, nhiệt tình, sự cần mẫn, say mê là cần thiết. Nhưng để có khối lượng phải nói là đồ sộ, mà phần được công bố mới chỉ là một phần, không thể thiếu phương pháp làm việc khoa học, và tầm nhìn văn hóa xa rộng của một nhà văn hóa lớn.

 

Ví Thầy Ninh Viết Giao là một người tìm quặng thật ra vẫn chưa chuẩn xác. Bởi quặng vật chất, cả vàng, đá quí, nằm cố định trong lòng đất. Chỉ cần có một số phương tiện kỹ thuật là khai thác có hiệu quả. Nhưng quặng tinh thần lặn sâu, tản mác trong lòng trí từng con người cụ thể. Nó là những vật thể di động, vẫn người ấy, mà tiếp cận sai thời điểm, sai không gian, không hợp tình trạng tâm thế là không thể nhặt nhạnh được gì. Khai mở được dòng ký ức của mỗi người, lắm khi phụ thuộc vào cơ duyên tiền định. Có lẽ tâm thành của người đi tìm quặng đã giúp rất nhiều vào kết quả đã có. Lắm khi phải kiên nhẫn lọc từ khối ký ức rối rắm mới được đôi câu tài hoa chợt nhớ lúc hưng phấn, khi đã cảm thông. Nhưng để có một khối lượng khổng lồ các tác phẩm văn hóa nhiều thể loại, làm lộ thiên, văn bản hóa, sắp xếp để dần thấy được một cách tổng quát và cụ thể đời sống tinh thần, tình cảm các thế hệ người dân xứ Nghệ thì không thể chỉ trông chờ vào may rủi. Phương pháp khoa học, sức lao động đáng kính nể, cộng với sự ủng hộ của nhiều người, người tìm quặng không cô độc này, trong gần 60 năm qua đã khai thác được một khối lượng tài sản văn hóa tinh thần xứ Nghệ mà chắc chắn chưa tỉnh thành nào có thể sánh được.

Sự đánh giá ấy được chính thức hóa bằng nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, của Uỷ ban Nhân dân Nghệ An, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 (Cho cụm công trình Hát phường vải, Về Văn học dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu). Ông là trường hợp hiếm hoi chỉ dạy học 10 năm cấp 3 và trung cấp mà được phong Phó Giáo sư. Với những công trình khoa học thuộc nhiều chuyên ngành đã xuất bản, đó không hẳn là sự chiếu cố. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các công trình của Thầy Ninh Viết Giao nhất định sẽ phát huy sức sống và giá trị bền vững. Nhưng những gì đã được công bố mới chỉ là một phần trong kho tài liệu thầy đã sưu tầm và tập hợp được. Và theo Thầy, những gì đã sưu tầm được mới chỉ là một phần rất nhỏ trong trầm tích văn hóa giàu có vô biên của mảnh đất gan góc, kiên cường này. Còn cần nhiều công phu nữa mới mong tìm đến đáy các vỉa quặng văn hóa nhiều đời. Biết bao viên ngọc quí đã vĩnh viễn bị lãng quên theo sự ra đi vì tuổi tác của bao con người tài hoa mà không được ghi chép kịp thời. Theo Thầy, lưu giữ được bằng văn bản mới chỉ là một phần việc như gom thóc giống gửi vào kho. Nếu không biết sử dụng, phát huy tác động của nó, thì nó sẽ tự hủy dần trong lặng lẽ, bụi bặm của các thư viện. Việc cần làm tiếp theo là gieo những hạt giống quý của văn học dân gian vào cuộc sống, vào con người hôm nay. Bởi vì, ý nghĩa giá trị lớn nhất của văn học quá khứ là bài học làm người. Kinh nghiệm quý báu đó còn sống mãi, giúp ích mãi cho tương lai.

Là người Thanh Hóa, nhưng suốt một đời Thầy hình như không có niềm vui thú nào ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh). Trong 58 năm, xa gia đình để làm việc, Thầy chỉ có 10 năm trực tiếp dạy học, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, Trường Cấp 3 mà như là trường quốc gia, nên học trò của Thầy có mặt hình như ở khắp mọi tỉnh thành trong cả nước. Dẫu đã ở nhiều cương vị công tác khác nhau, họ đều dành cho Thầy một sự kính trọng và tình thân đặc biệt. Nhiều nhà văn hóa gốc Nghệ cũng không che giấu niềm cảm phục về tình yêu và sự hiểu biết sâu rộng và những việc hữu ích Thầy đã làm cho xứ Nghệ. Một đời Thầy Ninh Viết Giao đã góp công sức khai thác, định hình, văn bản hóa vốn nằm trong lòng trí người xứ Nghệ nhiều đời.

Niềm an ủi cho những người yêu mến Thầy là Tỉnh Nghệ An đã tổ chức trọng thể sinh nhật 80 của Thầy. Năm 2013 đã tuyên dương Thầy là Công dân tiêu biểu của Nghệ An. Mới đây, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh và Tỉnh Nghệ An đã nhất trí đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Lớp hậu sinh ghi công Thầy tốt nhất là làm cho vốn văn hóa ấy tiếp tục sinh sôi, phát triển và tiếp tục sáng tạo để làm giàu có nền văn hóa nước nhà.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon