Một buổi diễn không quên

Tháng 5 năm 1962, Đoàn văn công Nghệ An đang tập huấn nghệ thuật tại khu văn công Cầu giấy- Hà Nội. Một hôm, có vị đại diễn văn phòng TƯ đến yêu cầu Đoàn chuẩn bị cho một buổi biểu diễn đặc biệt. Thế là không khí tập luyện vở Cô gái sông Lam diễn ra rất sôi nổi và khẩn trương… Vài hôm sau, Đoàn được lệnh đi biểu diễn. Khi chiếc xe ô tô chở anh chị em vào thẳng Phủ Chủ Tịch, ai nấy đều hồi hộp và linh cảm chắc sẽ biểu diễn cho Bác hoặc một vị thượng khách nào đó. Đúng như dự cảm của mọi người, lúc hoá trang xong, trước giờ biểu diễn độ mươi phút, một đồng chí cán bộ văn phòng TƯ vào thông báo : Hôm nay Đoàn sẽ biểu diễn cho Bác Hồ xem ! Ôi ! Thật vô cùng vinh hạnh !


Ai nấy đều reo lên vì sung sướng… Ngay lúc đó, từ cửa nách sân khấu, Bác đi thẳng vào, hai tay vẩy vẩy: – Bác chào các cháu ! Nghe tiếng Bác quá đột ngột, mọi người đều ngơ ngác không tin vào mắt mình nữa, tất cả reo lên: Bác Hồ, Bác Hồ! Rồi ào tới quanh
Người, Bác âu yếm ân cần hỏi han từng người… Đến lượt nghệ sĩ Quang Nghĩa thưa với Bác rằng quê cháu ở Nghi Lộc ạ !. Bác tếu ngay: – Nơi con mèo thì gọi là con méo phải không? Ai nấy đều tức cười bởi giọng điệu hài hước của Bác. Vừa lúc đó, chợt thấy đoàn khách Liên Xô bước vào hội trường, Bác trở lại trạng thái điềm đạm ôn tồn :
– Bác nói vui vậy thôi, bây giờ các cháu hãy vào chuẩn bị biểu diễn. Hôm nay cùng xem với Bác còn có một số đồng chí TW và đoàn khách Liên Xô, các cháu cố gắng diễn cho tốt ! Nói xong Bác bước xuống hàng ghế đầu trò chuyện với khách bằng tiếng Nga…Khi sân khấu mở màn, Bác ngồi xem rất chăm chú . Đến lớp kịch: Cô Nghệ (nữ đảng viên cộng sản trung kiên) gặp cô Hà (con ông lái đò-cảm tình đảng), hai người tâm sự:
– Chị Nghệ ! May mà chị thoát được, không thì chúng nó giết mất chị rồi !
– Giết thế nào được ! chị em mình phải sống chứ ! Sống cho đến ngày nước mình độc lập, dân mình tự do, hai chị em mình còn đi học, còn…- Còn hát ví với nhau nữa chứ ! (hát luôn) :- Ơ… Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi
– Ơ Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng ngại dày
Dẫu xa nhau đi chăng nữa thì ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa.
Lúc ấy liếc nhìn xuống, chúng tôi thấy Bác rút khăn mùi xoa thấm những giọt nước mắt xúc động, bởi câu hát đò đưa đã gợi nhớ về quê hương một thời thơ trẻ…
Xem xong vở, Bác bước lên sân khấu tặng hoa các nghệ sĩ và khen ngợi:
– Các cháu diễn rất tốt ! Ai là tác giả kịch bản ?
– Dạ thưa Bác, cháu ạ ! – Anh Trung Phong trả lời.
Thế là Bác rút luôn Huy hiệu của Người gắn lên ngực cho tác giả. Anh Trung Phong cảm động đến rơi nước mắt … Gắn xong Huy hiệu,
Bác hỏi chú cán bộ văn phòng:
– Có quà gì cho các cháu văn công hở chú?
– Dạ thưa Bác, có bánh kẹo ạ !
– Vậy thì chú mang ra mời các cháu ăn đi !
Khi chú văn phòng mang kẹo ra mời, vì xúc động nên chẳng ai vội ăn cả. Thấy vậy Bác bảo:
– Nếu các cháu chưa ăn ở đây thì gói mang về ăn sau vậy ! Thế rồi Bác bảo chú văn phòng gói lại trao cho Đoàn. Xong Bác hỏi:
– Bây giờ các cháu có thích chụp ảnh chung với Bác không nào ?
Tất cả đồng thanh: Có ạ, có ạ !
– Vậy thì thế này, người Bác cao to, nếu đứng thì che khuất mất các cháu. Bác sẽ ngồi xuống, các cháu đứng vây quanh ta cùng chụp nhé ?
Chụp xong ảnh, Bác chia tay mọi người, nhưng chẳng ai chịu rời Bác. Thấy thế, Bác nói ngay: Các cháu hãy nghe lời Bác: Đàng sau…quay !
Tất cả chúng tôi quay người, nhưng mặt vẫn cứ hướng theo bóng Bác khuất dần, khuất dần…
Thanh Lưu.
Post by: Văn Phú

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon