“Lời mẹ hát” – Sự cộng hưởng của tình cảm và nghệ thuật.

Hình bóng quê hương và dáng mẹ, đó luôn là những cảm xúc chủ đạo, gam màu ấn tượng nhất trong thi ca và âm nhạc. Có lẽ từ khi còn nhỏ bất cứ ai cũng sẽ được nghe những câu hát ru hay những vần thơ về mẹ. Mẹ luôn là điểm tựa bình yên và vững chãi cho mỗi người.

Lương Vân

TT Bảo tồn Dân ca Nghệ An

“Cánh cò cánh vạc dòng sông

Quyện trong lời mẹ giấc nồng đưa nôi.

Cánh diều chao liệng tuổi thơ

Lời mẹ ru da diết nước non ngàn năm tiếng mẹ à ơi”

 

Hình bóng quê hương và dáng mẹ, đó luôn là những cảm xúc chủ đạo, gam màu ấn tượng nhất trong thi ca và âm nhạc. Có lẽ từ khi còn nhỏ bất cứ ai cũng sẽ được nghe những câu hát ru hay những vần thơ về mẹ. Mẹ luôn là điểm tựa bình yên và vững chãi cho mỗi người. Hình tượng đẹp đầy tính nhân văn đó một lần nữa lại được khắc họa rõ nét, tha thiết, đong đầy như một minh chứng về lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ của mình trong bài dân ca “Lời mẹ hát” do nghệ sĩ An Ninh soạn lời.

Bài hát là sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn giữa các làn điệu dân ca gốc với các làn điệu cải biên: “Nước non lời nguyền” và tứ hoa tạo nên những âm điệu êm ái nhẹ nhàng nhưng cũng rất cao trào mãnh liệt. Vốn sử dụng mô típ quen thuộc thường xuất hiện trong văn chương, bài dân ca mở đầu với hình ảnh: “cánh cò, cánh vạc, dòng sông” gợi nhớ tấm thân mảnh mai của người mẹ nhọc nhằn, lặn lội kiếm sống để chăm lo cho đứa con. Và cũng gợi nhớ về khung cảnh quê hương bình yên, thơ mộng và cuộc sống dân giã thuở xưa. Con cò ở đây là sự hóa thân kỳ diệu của lòng mẹ. Hình ảnh con cò đi vào tiềm thức của tuổi thơ trở nên gần gũi và theo cùng người con trên mọi nẻo đường đời. Lời ru của mẹ chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn của mỗi con người. Với ca từ môc mạc sâu sắc, gồm một vế xướng và một vế xô mang âm hưởng dân gian khiến người nghe cảm thấy lòng mình lâng lâng, êm ái với những khung cảnh làng quê thanh bình yên ả, khiến cho bất cứ người con xa quê nào khi nghe cũng xúc động thương nhớ mẹ ở quê nhà.

“Mẹ ơi! Con nhớ như in bài học đầu tiên từ thiết tha lòng mẹ. Bên cánh võng đong đưa khi con còn bập bẹ vọng đến từ ngàn xưa câu hát à ơi. Lời mẹ ru con có sông núi biển trời, có lũy tre xanh ấm tình làng nghĩa xóm, có nỗi gian truân nhọc nhằn khuya sớm, nứt nẻ đường cày con mơ gót chân cha”. Một trong những niềm hạnh phúc giản dị và thanh khiết mà con người có được ngay từ thuở bé là được ngủ yên trong vòng tay người mẹ. Ngay từ thuở bình minh của loài người, một đứa trẻ được sinh ra chúng cũng được chăm sóc, bảo vệ, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa ấm nóng của người sinh ra chúng. Bởi vậy từ “Mẹ” chính là ngôn từ đẹp nhất trong mọi thời đại. Càng đọc càng thấm thía biết bao nhiêu ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp trong từng câu chữ của bài dân ca. Lời hát vừa giản dị và thấm thía đủ để mỗi con người được ngồi lại trong yên tĩnh để cảm động, suy nghĩ.

Dù trưởng thành khôn lớn nhưng con vẫn nhớ “như in bài học đầu tiên nơi thiết tha lòng mẹ”. Con nhớ lời ru của mẹ bởi lời ru không chỉ là giai điệu và lời ca dỗ dành đứa con nhỏ ngủ ngon mà còn thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm là ước mong là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ dành cho con mình. Nó chứa đựng trong đó cả một thế giới tinh thần mà người mẹ có được và muốn xây dựng cho đứa con. Đó là lời yêu thương, lời cầu nguyện, là ước mong, lời nhắn nhủ, khuyên răn, dạy bảo của mẹ: “lời mẹ ru con có sông núi biển trời, có lũy tre xanh ấm tình làng nghĩa xóm, có nỗi gian truân nhọc nhằn khuya sớm, nứt nẻ đường cày con mơ gót chân cha”. Làn điệu tứ hoa với lối hát đổ dài của thơ trung như sự tuôn trào của cảm xúc mang đến cho người nghe những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc tạo ra thế mạnh chuyển tải tâm trạng, cảm xúc dồn nén của nhân vật, gợi cho người nghe cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của mẹ.

Lời ru của mẹ là điểm tựa cho lòng tin và sức mạnh của đứa con trong cuộc sống, là nơi xuất phát và cũng là chốn về sau cùng của con người. Bởi vậy dù “con đi muôn nẻo đất trời, theo chân con bước, đường dài mẹ ru”. Lời ru của mẹ sẽ theo suốt cuộc đời người con, con dù đi nhiều, biết nhiều, nghe nhiều nhưng vẫn không đi hết mấy mấy lời ru của mẹ. Từ tình cảm và lòng hiếu thuận của người con, tác giả khái quát thành một quy luật tình cảm có tính chất vĩnh hằng: “con tung cánh muôn nơi vẫn nhớ về nguồn cội”. Con dù có khôn lớn, trưởng thành vẫn luôn là con của mẹ, vẫn luôn bé nhỏ trước mặt mẹ thôi. Lời ca giàu chất triết lý với ý nghĩa phố quát sâu xa đã trở thành tâm niệm của mỗi người con khi nghĩ về người mẹ với đức hi sinh lặng thầm cao cả và lòng thương con vô hạn.

Khi tình thương của mẹ được thăng hoa vào dân ca dân nhạc thì nó được biểu hiện thành bao nhiêu đường nét, hình tượng âm giai cung bậc: “Lời mẹ ấm đêm đông mát lành trưa nắng hạ, nước non ngàn dặm trong tiếng mẹ ru hời, con tung cánh muôn nơi vẫn nhớ về nguồn cội”. Lời hát ru mộc mạc nhưng ngọt ngào, với giai điệu man mác tha thiết của Ví, tính chất tự sự kể lể khuyên răn của Giặm, kết hợp lối hát ngâm đổ dài của thơ trung, sự dùng dằng thương nhớ của quân tử vu dịch trong chèo tất cả tạo ra thế mạnh chuyển tải, diễn tả được quá trình diễn biến cảm xúc dâng trào mãnh liệt của người con, càng thấy được ý nghĩa nhân văn và lòng hiếu thảo hiếm thấy của người con đối với mẹ của mình.

Trở lại với âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi của lời ru, tác giả đã đúc kết ý nghĩa phong phú đầy tính nhân văn của tình mẫu tử qua hình ảnh: “cánh diều chao liệng tuổi thơ, lời mẹ ru ầu ơ da diết nước non, ngàn năm tiếng mẹ à ơi”. Những câu hát ru ngọt ngào sâu lắng của mẹ, hình ảnh quen thuộc mẹ ngồi đưa võng hát ru con, nơi người mẹ tảo tần nuôi dưỡng đứa con gái nhỏ. Tình mẹ dịu dàng, ân cần không kể nắng mưa làm lay động tâm hồn người nghe. Hình ảnh đó mãi mãi vang vọng trong trái tim của mỗi người. Dù có đi đến đoạn đường nào trong cuộc đời, mỗi khi nghe một khúc hát ru mượt mà, không ai không thể không xao lòng, không nhớ về mẹ và những ngày mẹ ẵm trên tay. Nó phản ánh tình cảm thiêng liêng cao quý nhưng lại rất gần gũi giữa cuộc sống đời thường. Bởi thế mà tình mẫu tử luôn là thi hứng không bao giờ vơi cạn đối với các tác giả văn chương nghệ thuật.

4.6/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon