“Rồi một chiều chợt nhớ quê hương, Nghe em hát dân ca Xứ Nghệ, Câu hát
ru như một thời thuở bé, Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa ”. Đó là ca từ trong bài hát “Điệu Ví Giặm là Em” của Nhạc sĩ Quốc Nam. Đúng vậy! Người dân xứ Nghệ từ bao đời nay, dù đi xa hay ở lại mảnh đất thân thương này cũng đều “mê” Ví Giặm. Bởi đó chính là máu thịt gắn với tuổi thơ của mỗi con người nơi đây. Tuy nhiên, trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nguy cơ mai một là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ bộ môn nghệ thuật truyền thống nào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ cho được vốn quý của quê hương, dân tộc? Thiết nghĩ, Bảo tồn không có nghĩa là chỉ sưu tầm, nghiên cứu, ghi âm cho khỏi thất lạc mà còn phải giới thiệu, phổ biến qua việc sáng tác những ca khúc mới mang âm hưởng dân ca.
Từ bao đời nay, trong mỗi giai đoạn, các nhạc sĩ đều tìm đến những giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách riêng mang hơi thở dân tộc. Ví Giặm Nghệ Tĩnh với những nét đặc trưng riêng có của nó, cũng đã đi sâu vào đời sống của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng không chỉ ở xứ Nghệ mà khắp cả nước, là nguồn cảm hứng vô tận để họ sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần làm cho âm hưởng của những làn điệu dân ca quê hương vang xa, vang mãi.
Dẫn đầu trong thủ pháp vận dụng, thổi hồn Ví Giặm vào ca khúc mới phải kể đến nhạc sĩ An Thuyên. Như ông từng nói: “Dân ca Nghệ Tĩnh đã cho tôi tất cả, cuộc sống, sự nghiệp, sự dâng hiến và tư cách làm người”. Bởi vậy, tuy trở thành nhạc sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam, nhưng hầu hết các sáng tác của ông đều hướng về quê hương xứ Nghệ với những giai điệu đậm chất dân gian, bằng những ca từ đậm chất thơ, thấm đượm ca dao, tục ngữ và giàu vần điệu. Tiêu biểu như: “Em chọn lối này”, “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê”, “Hà Tĩnh mình thương”….
Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới cũng là cái tên quen thuộc được nhiều người biết đến với hàng trăm ca khúc mang âm hưởng dân ca. Ông cũng là một trong những người đầu tiên thể nghiệm thành công sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Những sáng tác của ông, một cách nhẹ nhàng, đã đi thẳng vào trái tim nhiều người và chiếm trọn cảm tình công chúng nhờ chất quê, chất Nghệ, chất dân gian và quan trọng là nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây như : “Câu hát quê hương”, “Ân tình xứ Nghệ”, “Câu Ví Giặm quê mình”…
Do mang đậm nét âm nhạc truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc nên những ca khúc mang âm hưởng dân ca luôn có sức sống mạnh mẽ và tạo được chỗ đứng trong lòng bạn yêu nhạc. Ngoài những sáng tác tiêu biểu của An Thuyên và Hồ Hữu Thới còn có hàng trăm ca khúc khác chủ yếu viết về quê hương xứ Nghệ mà chắc ai cũng biết như: “Câu Hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ” (Nguyễn Văn Tý), “Câu đợi câu chờ” (Ngọc Thịnh ), “Vinh thành phố bình minh” (Lê Hàm)… Đó là những ca khúc vượt thời gian nhờ tác giả thực sự khéo léo trong việc vận dụng những làn điệu dân ca mềm mại, uyển chuyển kết hợp với những tiết điệu năng động, trẻ trung, mới lạ nhưng người nghe vẫn cảm nhận được sức lôi cuốn của sự dân giã, mộc mạc trong cảnh làng quê xứ Nghệ.
Có một điều đặc biệt là trong số những bài hát hay nhất viết về Bác Hồ, các ca khúc đều sử dụng chất liệu dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu phải kể đến “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” và “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của nhạc sĩ Trần Hoàn, “Trông cây lại nhớ tới Người”của Đỗ Nhuận, “Từ làng Sen” (Phạm Tuyên), “Người về thăm quê” (Thuận Yến), “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên), “Chúng con hát về Người” (Hồ Hữu Thới)… Ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” mặc dù được viết theo điệu thức bảy bậc của phương Tây nhưng nhờ sử dụng lối hát có tính ngâm ngợi, tự do được phát triển từ chất liệu bài Ví phường vải của dân ca Nghệ Tĩnh làm cho người nghe có cảm giác như đây là lối hát không có tiết nhịp trong dân ca. Chính điều đó đã làm cho ca khúc thêm xúc động và chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Còn ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” được nhạc sĩ Trần Hoàn viết nhạc từ bài thơ cùng tên của Đỗ Quý Doãn. Chất dân ca thấm đượm tâm hồn hai nghệ sĩ khi nghe bài “Giận mà thương” nơi đất khách quê người khiến cho tình cảm sâu nặng đối với quê hương trỗi dậy và cho ra đời những giai điệu khó quên:“ Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Ôi câu hò xứ sở, thấm đượm tình quê, Chiều Mạc Tư Khoa….rừng dương như trầm lặng, Mà nghe câu Giặm… rằng hết giận rồi thương”. Chất Ví Giặm được nhạc sĩ khai thác một cách triệt để, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa lời ca và nhạc điệu khiến ca khúc mang một phong vị rất riêng, khá độc đáo, dung dị sâu lắng nhưng vẫn đậm tính nhân văn sâu sắc.
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhạc sĩ đều lựa chọn dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Ví Giặm để viết về Bác. Bởi vì những làn điệu dân ca đã trở thành một phần rất đỗi quen thuộc, như dòng sữa mẹ ngấm sâu vào trong tâm hồn của Người, từ thuở ấu thơ, cho đến lúc bôn ba tìm đường cứu nước hay lúc sắp ra đi Người vẫn muốn nghe làn điệu Ví Giặm nơi quê nhà. Hơn nữa, lúc sinh thời Người thường tâm niệm: muốn yêu quê hương tổ quốc mình thì càng phải yêu những khúc hát dân ca. Chính vì lẽ đó mà những ca khúc viết về Bác Hồ mang âm hưởng dân ca luôn là những ca khúc ngọt ngào, đầy xúc cảm và được nhiều người yêu thích hơn cả.
Việc sáng tác ca khúc mới dựa trên làn điệu dân ca, hòa âm phối khí làm mới các tác phẩm truyền thống sẽ mang dân ca Ví Giặm đến gần hơn với giới trẻ, với bạn bè quốc tế và giúp âm nhạc dân gian xứ Nghệ hòa nhập với thế giới mà không bị hòa tan. Bởi vậy, việc mang âm hưởng Ví Giặm vào ca khúc mới là công việc quan trọng và thực sự cần thiết đối với công tác bảo tồn dân ca Ví Giặm cũng như nền âm nhạc dân tộc nước ta hiện nay. Thậm chí, như nhạc sĩ Hồ Hữu Thới từng nói: Dân ca xứ Nghệ không chỉ dừng lại ở những tác phẩm ca khúc, nhạc sân khấu, nhạc múa mà còn phải vươn lên để có những tác phẩm lớn, mang tầm quốc tế như giao hưởng, nhạc kịch, nhạc không lời nói chung nhưng bằng thủ pháp cao hơn, phát triển xa hơn, hiện đại hơn”.
Các ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân ca đã từng và vẫn đang là món ăn tinh thần có giá trị đối với nhiều tầng lớp, đặc biệt là sự đón nhận nhiệt tình của khán giả trẻ, bởi những ca khúc đó không chỉ truyền tải giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc mà chính sự pha trộn chất dân gian với yếu tố hiện đại càng làm cho ca khúc mang màu sắc tươi mới và có phần lạ lẫm hơn. Tuy nhiên, một số nhạc sĩ trẻ Việt Nam hiện nay nỗ lực sáng tác những ca khúc có tên “Dân gian đương đại” mang nhiều yếu tố hiện đại và chạy theo phong cách âm nhạc phương Tây một cách thái quá khiến tác phẩm mất đi vẻ bình dị cố hữu của âm nhạc dân gian.
Lương Vân