Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “thổ sản”, là “hồn cốt” của người xứ Nghệ, được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống. Nó mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, bản sắc của người dân xứ Nghệ. Chính vì nó xuất phát trong lao động và sinh hoạt cộng đồng cho nên sức sống, sức lan truyền trong cộng đồng rất mạnh mẽ, nó xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh, không kể thời gian, không gian, không kể ngày tháng và gắn liền với phương ngữ của người dân xứ Nghệ. Bất cứ một người Nghệ nào hễ thuộc một vài câu lục bát là đã có thể hát được dân ca Ví, Giặm, bởi phương ngữ và người Nghệ, chúng gắn bó với nhau như hình với bóng không thể tách rời. Một đứa trẻ xứ Nghệ chỉ mới lên ba đang bi bô tập nói nhưng đã biết nói tiếng mô, tê, răng, rứa rồi. Bởi vậy, nói người Nghệ nói mà như hát, hát mà như nói e cũng là lẽ tất nhiên. Dân ca xứ Nghệ khi được cất lên thành lời ca nó như những cuộc trò chuyện, những cuộc tâm tình, đối thoại với nhau. Nhờ đặc thù gắn với phương ngữ mà sức sống và sự lan tỏa của Ví, Giặm rất rộng lớn trong cộng đồng Nghệ Tĩnh. Nó có mặt ở hầu hết trên khắp mọi vùng quê xứ Nghệ, từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết hát dân ca. Người già thì hát ru con ru cháu, trẻ nhỏ thì sử dụng dân ca trong các trò chơi dân gian, thanh thiếu niên, công nhân viên chức thì hát trong sinh hoạt đoàn thể, hội họp,…. Và bởi dân ca Ví, Giặm ra đời từ lao động, gắn liền với lao động, nghề nghiệp, nên người dân khi lao động cũng là lúc họ cất lên tiếng hát để vừa quên đi mệt nhọc, vừa trao đổi tâm tình với nhau. Vì thế, ở xứ Nghệ đã hình thành nên những nhóm sinh hoạt Ví, Giặm gắn với nghề nghiệp, với đặc trưng của từng loại hình lao động như nghề dệt vải (có ví phường vải), đan lát (có ví phường đan), làm nón lá (có ví phường nón) hay nghề cày cấy (có ví phường cấy), trèo non (có ví trèo non), chài lưới trên sông nước (có ví đò đưa),…
Chẳng ai biết được chính xác hát Ví, Giặm có từ bao giờ, đến nay đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết được rằng nó ra đời từ trong lao động, gắn với lao động và sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi mới xuất hiện, dân ca Ví, Giặm còn thô sơ mộc mạc, giản dị nhưng sau đó theo thời gian loại hình này đã phát triển lên tầm cao mới với bố cục chặt chẽ, câu từ trau chuốt, vần điệu chắt lọc để hấp dẫn và làm say đắm lòng người nghe. Mỗi người dân Nghệ họ hát với những tâm sự khác nhau nhưng người Nghệ cứ lao động là ca hát. Họ hát trong lúc làm việc và điều đó đã trở thành thói quen với họ từ bao đời nay. Trước đây việc tồn tại phổ biến của các làng nghề hay lao động nghề nghiệp đã tạo cho sinh hoạt Ví, Giặm được diễn ra thường xuyên hơn. Ngày thì họ hát đối đáp với nhau lúc cày cấy trên đồng ruộng, đi hái củi trên núi trên đồi, hay đánh bắt tôm cá dưới sông,… tối về, họ lại tụ họp để vừa dệt vải kéo sợi vừa hát đối đáp dao duyên với nhau giữa các tốp nam và tốp nữ của làng này làng nọ như là những cuộc hẹn hò, trao gửi tâm tình với nhau, hay lúc rảnh rỗi nông nhàn, lúc mưa bão họ không ra đồng làm việc được thì họ lại tụ họp với nhau ở các phường đan, phường nón,… để vừa làm vừa hát. Chính nhờ những cuộc đi hát này mà nhiều cặp trai gái đã thành đôi thành lứa, nên duyên vợ chồng. Ngày nay khi đời sống công nghiệp hiện đại lên ngôi, việc tồn tại của các làng nghề đã ít đi hoặc không còn nữa thì sinh hoạt Ví, Giặm trong cộng đồng người dân Nghệ Tĩnh không còn tồn tại như trước mà đã được chuyển sang một hình thức khác. Giờ đây, họ không còn vừa lao động vừa ca hát, vừa dệt vải vừa hát xe duyên. Từ chỗ hát phường hát hội, thì nay, thay vào đó là các đội văn nghệ, các câu lạc bộ dân ca ở các làng xã, thôn xóm. Từ khi có chủ trương của Tỉnh, của Ngành cần bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống nói chung, dân ca Ví, Giặm nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội hiện đại, đặc biệt từ khi thực hiện mục tiêu đưa dân ca Ví, Giặm trở thành di sản quốc gia và di sản thế giới thì công tác bảo tồn phát huy Ví, Giặm càng được đẩy mạnh trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Với hàng loạt các hoạt động như xây dựng mạng lưới câu lạc bộ (CLB) dân ca trong dân cư, đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, tổ chức các hội thi hội diễn, liên hoan dân ca hàng năm, lồng ghép dân ca trong các hoạt động văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm (biên soạn các đầu sách, in ấn các băng đĩa, tổ chức các hội thảo khoa học về dân ca,…), xây dựng các vở diễn ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn phục vụ công tác biểu diễn thúc đẩy quá trình sân khấu hóa dân ca,…tất cả các hoạt động đó nhằm đưa dân ca về với cộng đồng, sống lại trong dân gian. Và đến hôm nay, sinh hoạt dân ca đã được diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn nhân dân 2 tỉnh. Dân ca đã thực sự đi vào đời sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ. Từ ma chay, cưới hỏi, lễ tết, đình đền, các hoạt động xã hội,… đều có mặt của dân ca. Nó như một bộ phận không thể tách rời trong sinh hoạt của người Nghệ. Hiện nay, 2 Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có gần 200 Câu lạc bộ dân ca trong cộng đồng (trong đó nghệ An có hơn 100 CLB/21 huyện thành thị, Hà Tĩnh có hơn 80 CLB/13 huyện thành thị) đi vào hoạt động với khoảng 4000 thành viên tham gia sinh hoạt ở nhiều độ tuổi và tầng lớp khác nhau,, trong đó hơn 40 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Tiêu biểu như các cụ: Nguyễn Thị Đồng, Lê Thị Vinh (Thanh Chương), Nguyễn Thị Am (Quỳnh Lưu), Trần Thị Như (Yên Thành), Trần Khánh Cẩm (Kỳ Anh), Trần Thị Phượng (Nghi Xuân), Vũ Thanh Minh (Cẩm Xuyên),… hình thành được một đội ngũ tác giả sáng tác, biên soạn, dàn dựng các tiết mục, chương trình dân ca, tiêu biểu như: Phan Thế Phiệt, Trần Văn Minh (Yên Thành), Võ Trọng Thìn, Võ Thị Vân (Thanh Chương), Nguyễn Yết Niêm (Quỳnh Lưu), Trần Văn Hồng (Nghĩa Đàn), Cao Xuân Thưởng (Diễn Châu), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Mạnh Cường (Đô Lương), Trần Văn Minh (Nam Đàn), Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thanh Minh (Hà Tĩnh)… Nhìn chung, các CLB sinh hoạt nhiệt tình, say mê, tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa cộng đồng dân cư của địa phương, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn dân ca, Lễ hội Làng Sen của tỉnh… Gần đây, các CLB còn tham gia phục vụ các lễ tổng kết, các chuyên đề ngành nghề, các lễ hội, tang ma, đám cưới,… Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt CLB, nhiệt tình truyền dạy dân ca cho các thế hệ trẻ. Và sinh hoạt của các CLB ở 2 địa bàn này thường gắn với một số môi trường tiêu biểu sau đây: Môi trường sông nước, điển hình có Câu lạc bộ Bồi Sơn (h.Đô Lương); Môi trường đồng ruộng, điển hình có CLB Đồng Thành, CLB Phúc Thành (h.Yên Thành), CLB Hồng Sơn (h.Quỳnh Lưu), CLB Cẩm Mỹ (h.Cẩm Xuyên), CLB Kỳ Bắc (h.Kỳ Anh), CLB Thạch Châu (h.Thạch Hà); Môi trường lao động nghề nghiệp như làm nón, dệt vải có CLB phường vải Kim Liên (h.Nam Đàn), CLB phường vải Trường Lưu (h.Can Lộc), CLB phường nón Tiên Điền (h.Nghi Xuân), CLB phường nón Phù Việt (h.Thạch Hà); Môi trường sinh hoạt gia đình, dòng họ có tính chất trao truyền có CLB Ngọc Sơn (h.Thanh Chương), CLB Quỳnh Thắng (h.Quỳnh Lưu): CLB trong đó có tới 3, 4 thế hệ trong một gia đình cùng tham gia sinh hoạt, truyền dạy dân ca. Các CLB tuy sinh hoạt ở những môi trường khác nhau nhưng hầu hết đều có điểm chung là niềm đam mê, yêu thích dân ca và tinh thần tự nguyện sinh hoạt. Mặc dù hoạt động chưa có tính chuyên sâu, đội ngũ tác giả chưa nhiều, kinh phí còn khó khăn, hạn hẹp, các CLB đều tự bỏ ra nhưng khi có chủ trương, phong trào gì của địa phương thì họ đều hưởng ứng kịp thời. Đây là lực lượng nòng cốt để nắm giữ, trao truyền di sản trong nhân dân, và lực lượng này ngày càng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng.
Ngày nay, việc bảo tồn phát huy di sản dân ca Ví, Giặm nghệ Tĩnh đang được lãnh đạo chính quyền các cấp và ngành Văn hóa 2 tỉnh quan tâm thực hiện nhưng thiết nghĩ, cần phải có chiến lược phát triển cụ thể cho loại hình nghệ thuật này cũng như các cơ chế, chính sách đối với nghệ nhân dân ca để Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mãi xứng đáng là di sản đã được thế giới tôn vinh, là vật báu của nhân loại. Nhân dân 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình như là bổn phận thiêng liêng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương./
Nguyễn Hồng Hà – NCST TTBT&PHDS Dân ca Xứ Nghệ