Bà LÊ THỊ BÍCH THỦY
Sinh năm: 1970
Nơi sinh: Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
Dân tộc: Kinh.
Nghệ thuật trình diễn dân gian Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Ms. LE THI BICH THUY
Year of birth: 1970
Place of birth: Kim Lien, Nam Dan district, Nghe An
Ethnicity: Viet (Kinh) ethnic majority.
Practising and transmitting the alternating singing Vi, Giam Folk Songs.

  • Gần 30 năm nắm giữ và thực hành di sản, đã trao truyền cho hàng nghìn thế hệ học sinh;
  • Nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Đạt nhiều giải thưởng và huy chương của Bộ Văn hóa;
  • Được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2013; Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015.

NGHỆ NHÂN DÂN GIAN LÊ THỊ BÍCH THỦY

Chị không được may mắn như nhiều người sinh ra trong gia đình có truyền thống hát dân ca, nhưng bản thân chị là người yêu thích ca hát từ khi còn nhỏ tuổi, và cái may mắn là chị được sinh ra trên cái nôi của ví phường vải Nam Đàn, đây là cái nôi đặc biệt góp phần quan trọng hình thành nên chất giọng dân ca của nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy.

Bản thân yêu ca hát từ nhỏ. Ngay từ những ngày còn là cô học sinh ngồi trên ghế nhà trường chị luôn tham gia các hội thi hội diễn văn nghệ của trường và mỗi lần chị hát đều được thầy cô và bạn bè khen ngợi. Mỗi dịp được nghỉ hè chị lại tham gia văn nghệ địa phương, thường xuyên giao lưu với các đơn vị khác, chị trở thành cây văn nghệ của trường của địa phương quê chị, cũng từ đây chị thấy mình có khả năng về ca hát và chất giọng phù hợp với hát dân ca xứ Nghệ. Bên cạnh đó chị lại được hấp thu từ cái nôi dân ca phường vải Kim Liên, những điều kiện thuận lợi đó đã tạo cho chị trở thành một nghệ nhân dân ca khi tuổi đời còn rất trẻ.

Sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, chị trúng tuyển vào trường Trung học văn hóa thông tin Nghệ Tĩnh lớp sư phạm âm nhạc. Ở đó chị có điều kiện nâng cao trình độ và phát huy tố chất của mình. Liên tục trong nhiều năm học chị tham gia các hội thi hội diễn của trường và đạt nhiều thành tích cao. Khi trở thành giáo viên âm nhạc trên quê hương của mình, chị luôn tìm hiểu về các làn điệu dân ca xứ Nghệ và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục tham gia học lớp Cao đẳng nhạc họa Trung ương, ở đó chị đã được đào tạo một cách bài bản để trở thành một giáo viên âm nhạc. Ngoài công việc chính là giáo viên dạy nhạc, chị còn tham gia nhiều phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, là thành viên câu lạc bộ dân ca phường vải Kim Liên – Nam Đàn và là nghệ nhân hát chính cho câu lạc bộ. Không chỉ có hát, chị còn dàn dựng chương trình, dạy cho các cháu nhỏ qua nhiều thế hệ. Nhắc đến chị từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết. Chị là gương mặt trẻ nổi bật trong các kỳ thi Liên hoan dân ca của tỉnh nhà. Đến nay ngoài chuyên môn âm nhạc ở nhà trường, chị còn thông thạo nhiều làn điệu dân ca ví giặm như ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa sông La, ví phường vải, ví phường chè, ví đi cấy, ví đồng ruộng, ví trèo non; giặm cửa quyền, giặm Đức Sơn, giặm vè, giặm kể, giặm nối; hò trên sông, hò bơi thuyền, hò đầm đất đắp đê, hò nghệ, hò khoan đi đường,… Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng chị đã đạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi văn nghệ, các cuộc Liên hoan dân ca trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Đó là các giải A, giải B trong Liên hoan tiếng hát làng Sen cấp huyện và cấp tỉnh, huy chương vàng trong Liên hoan “Biển hát” tại Đà Nẵng, huy chương bạc trong Liên hoan tiếng hát giáo viên do Bộ Giáo dục tổ chức tại Hà Nội, giải nhì Liên hoan tiếng hát hay trên sóng Phát thanh Truyền hình Nghệ An. Ngoài ra chị còn tham gia cùng đoàn thanh niên xã nhà trong chương trình “Thanh niên với an toàn giao thông” do huyện đoàn tổ chức, tham gia chương trình “Tiếng hát đồng quê” của Hội nông dân tổ chức, tham gia hội thi “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình” do Hội phụ nữ Tỉnh tổ chức và thường xuyên tham gia các chương trình thi hát dân ca do Phòng và Sở Giáo dục tổ chức. Và đặc biệt hơn nữa, chị thường xuyên soạn lời mới cho các làn điệu dân ca phù hợp với mỗi chương trình trong các Liên hoan về dân ca xứ Nghệ. Chị còn trực tiếp hướng dẫn cách hát các làn điệu dân ca cho nhiều chi đoàn thanh niên và các hội viên câu lạc bộ phường vải xã Kim Liên, thường xuyên sưu tầm các làn điệu dân ca cổ.

Là người giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn âm nhạc trong trường học, chị luôn luôn đào tạo học sinh của mình đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi đưa dân ca vào trường học do Phòng và sở Giáo dục tổ chức. Một thành công lớn nhất mà chị đạt được là vào tháng 4 năm 2010, một em học sinh là Nguyễn Quốc Bảo 6 tuổi (cũng chính là con trai chị) đã đạt giải đặc biệt về hát dân ca trong cuộc thi đưa dân ca vào trường học do sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức và cũng chính trong cuộc thi này chị đã đạt giải “người đặt lời dân ca hay nhất cho thiếu nhi”. Năm 2012 chị lại tiếp tục đào tạo cho học sinh Nguyễn Quốc Bảo đạt giải nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất trong Liên hoan dân ca xứ Nghệ do sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức.

Với những thành tích như trên, tuy còn trẻ tuổi nhưng chị thực sự xứng đáng với danh hiệu “nghệ nhân dân gian Lê Thị Bích Thủy” mà Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng năm 2013 này. Mong rằng chị mãi mãi có niềm đam mê với dân ca xứ Nghệ để không ngừng sự nghiệp truyền dạy cho lớp lớp con cháu hôm nay và mai sau.