Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ, nó trở thành nét bản sắc riêng có và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Ngày 27 tháng 11 năm 2014 người dân Xứ Nghệ hân hoan chào đón Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO Vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sự kiện là niềm vinh dự, và là niềm tự hào lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều trọng trách trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý giá đó.
Trong rất nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện thì đưa dân ca Ví,Giặm vào trường học được xem là một trong những nhóm giải pháp quan trọng để vận dụng tâm lí tiếp nhận nhanh nhạy và sáng tạo của lứa tuổi học sinh cũng như sự nề nếp bài bản của không gian trường học cho việc trao truyền dân ca Ví, Giặm.
Thực tế thì chủ trương đưa dân ca vào trường học đã được triển khai từ năm 1999 với sự phối hợp của 3 đơn vị là Ngành giáo dục và đào tạo, ngành Văn hóa, Thông tin và đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh Nghệ An, quá trình triển khai đã đạt được những kết quả nhất định, 100% các trường từ mầm non đến trung học phổ thông ở Nghệ An đã triển khai thực hiện chương trình, một số trường mầm non đã thực hiện tốt các hội thi “Bé hát dân ca Ví, Giặm” một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm, các thầy cô giáo dạy nhạc, dạy văn đã sáng tác, cải biên một số làn điệu để học sinh thực hành và biểu diễn, nghành giáo dục đào tạo coi việc dạy và hát dân ca Ví, Giặm là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua; Qua gần 20 năm thực hiện cho thấy sự nhạy bén và kịp thời của chủ trương, đã thổi bùng ngọn lửa tình yêu, niềm đam mê Dân ca Ví, Giặm cho giáo viên và học sinh, đặt nền móng vững chãi cho hành trình đưa dân ca vào trường học một cách chính thống. Theo nhạc sỹ Hồ Hữu Thới thì “ cách đây 20 năm chúng ta đã tiến hành đưa dân ca vào trường học, người thực hiện chủ yếu là các giáo viên của trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An cùng đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc tại các trường học tại các địa phương trong Tỉnh”
Tuy nhiên, hành trình đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học thời gian qua, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đó là dân ca ví, Giặm vẫn chưa được đưa vào giảng dạy chính thức cho học sinh trong các bậc học; Dân ca Ví, Giặm không có trong chương trình chính khóa, nên giáo viên dạy nhạc rất khó khăn trong việc bố trí thời gian truyền dạy, với bậc học trung học phổ thông, thì dân ca Ví, Giặm chỉ được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, cơ sở vật chất phục vụ cho việc truyền dạy chưa được đầu tư đồng bộ, và theo số liệu khảo sát thì hiện nay số học sinh ở Nghệ An chưa hát được, hoặc hát nhầm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh chiếm tỉ lệ 80%, biết hát 1 làn điệu là 10%, biết hát 2 làn điệu là 5%, điều này cho thấy hành trình đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học vẫn còn rất nhiều vấn đề mới cần được tháo gỡ một cách đồng bộ và quyết liệt hơn nữa mới xứng tầm với mục tiêu và yêu cầu bảo tồn Di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì “ trên thực tế sau khi được UNESCO công nhận thì ngành giáo dục có cơ sở để trình Bộ Giáo dục cho phép xây dựng chương trình, giáo án để đưa dân ca vào trường học tại bậc học trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, tuy nhiên điều quan trọng ở đây là chúng ta nên xây dựng chương trình, soạn thảo giáo án như thế nào một cách có hệ thống, bài bản và khoa học là điều cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng”; Cô giáo: Nguyễn Thị Mười giáo viên trường THCS Hồng Sơn, phường Hồng Sơn, TP Vinh chia sẻ: “Hiện nay trong chương trình đưa dân ca Vào trường học thì chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, chứ chưa có hình thức bắt buộc dành cho các em học sinh, thiết nghĩ đến nay dân ca Ví, Giặm được Vinh danh đã hơn hai năm, ngành giáo dục cần có đề án trình Bộ giáo dục và đào tạo cho phép đưa dân ca vào giảng dạy bắt buộc tại trường học, đặc biệt là với bậc học trung học, và trong quá trình này cần phải có giáo trình cụ thể, cách thức thực hiện bài bản để đạt hiệu quả cao, chứ không phải là làm theo cảm hứng, theo thời vụ”
Mới đây, tại thành phố Vinh diễn ra hội thảo “ Đưa dân ca vào trường học, từ lý luận đến thực tiễn” đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các cấp ngành liên quan và đông đảo những người tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm. Hội thảo đã tổng kết chặng đường đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học trong thời gian qua và cùng trao đổi bàn bạc về phương hướng và các giải pháp để đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học trong thời gian tới; và một trong những nhiệm vụ hàng đầu được hội thảo đặt ra là cách thức tổ chức thực hiện để đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học, Hội thảo đã phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị; Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị trực tiếp chỉ đạo các trường học thực hiện, sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là đơn vị đảm nhiệm yếu tố kỹ thuật để xây dựng chương trình, soạn thảo giáo án
Theo PGS.Ts Phan Mậu cảnh thì: “ Với tư cách là một đơn vị đào tạo, trường Cao đẳng văn hóa Nghệ Thuật đang nghiên cứu và xây dựng giáo trình đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học, đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ trong công tác biên soạn giáo án, lên chương trình giảng dạy cho giáo viên sao cho phù hợp với từng cấp học, bậc học, lứa tuổi, để đạt làm sao đạt hiệu quả cao nhất”
Được biết, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ, nghiên cứu và hướng tới ứng dụng đề án đưa dân ca vào trường học, quá trình triển khai ở trường do có nhiều lợi thế để thực hiện như đặc thù giảng dạy của trường chuyên về âm nhạc, phần lớn đội ngũ sinh viên có năng khiếu và đam mê âm nhạc, việc triển khai giảng dạy dân ca Ví, Giặm ở trường đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên trường không thể áp dụng cách làm đó cho các bậc học khác, bời chương trình ở các bậc học phổ thông còn nặng, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình trường đã bước đầu kiến thiết được những phương hướng triển khai cho các bậc học khác, vấn đề phối hợp giữa đội ngũ giáo viên âm nhạc với các nghệ nhân dân ca Ví, Giặm cũng được bàn bạc, nghiên cứu thực hiễn.
Tiến sỹ Phan Thanh Nga, phó trưởng khoa lý luận đại cương trường Cao đẳng văn hóa, nghệ thuật Nghệ An chia sẻ: “ phải kết hợp giữa đội ngũ giáo viên có phương pháp sư phạm được đào tạo bài bản với các nghệ nhân dân ca tại các địa phương, bời họ có khả năng biểu diễn, minh họa thực tế cho các em học sinh hiểu hơn về dân ca Ví, Giặm”; còn nhạc sỹ Hồ Hữu Thới thì cho rằng : “ Phải kiểm tra lại số lượng giáo viên âm nhạc tại các trường học phổ thông, tôi e là chưa đủ, nên chúng ta phải mời cộng tác viên từ các câu lạc bộ, các trung tâm văn hóa các địa phương tham gia giảng dạy”
Vấn đề được hội thảo quan tâm trao đổi, bàn bạc nhiều. đó là soạn thảo nội dung chương trình giảng dạy dân ca Ví, Giặm sao cho phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các em học sinh, hầu hết các ý kiến đều thống nhất sẽ xây dựng chương trình, có sự liên thông, thống nhất từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông theo nguyên tắc, nâng cao và phát triển, trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật soạn thảo chương trình và sẽ thông qua hội đồng xét duyệt và bàn bạc quyết định, trên thực tế quá trình giảng dạy sẽ tiếp tục bổ sung và điều chỉnh chương trình cơ sở và nền tảng để hình thành nên các chương trình giảng dạy dân ca Ví, Giặm vẫn chính là phải nắm bắt được tâm lý và sở thích tiếp nhận của học sinh
Nhạc sỹ Lê Hàm, hội viên hội nhạc sỹ Việt Nam cho rằng: “ ở bậc học tiểu học cần chú trọng những bài hát có nhịp điệu, bắt đầu sang THCS mới chú trọng đến các làn điệu, nội dung của bài hát, điều quan trọng là phải làm cho các em có tình yêu và đam mê với câu hát dân ca”
Nội dung của chương trình giảng dạy dân ca Ví, Giặm sâu sắc và sinh động, thì chắc chắn sẽ khích lệ được niềm đam mê và sở thích hát dân ca Ví, Giặm của học sinh, và một khi cách em đã đam mê, thì sức sống và sức lan tỏa của dân ca Ví, Giặm sẽ trở nên bền vững,
Nghệ nhân ưu tú Cẩm Vân là người đã khích lệ được niềm đam mê dân ca cho các em nhỏ, bà đã lựa chọn những thể dân ca phù hợp với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các em, sáng tác các bài mới, dựa trên âm hưởng dân ca Ví, Giặm, có nội dung sát thực với cuộc sống của các em, sử dụng ca từ đơn giản, dễ hiểu và gần gũi, quá trình theo sát và bồi dưỡng niềm đam mê dân ca Ví, Giặm cho một nhóm học sinh, ở các độ tuổi khác nhau, bà đã khai thác được sự nhanh nhạy, thông minh và sáng tạo của các em trong việc trao truyền và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Bà tâm sự: “Được truyền đạt lại dân ca cho các cháu là một niềm vui lớn với tôi, bởi các cháu có tinh thần ham học, tiếp thu nhanh, có chất giọng tốt, có truyền lại cho các em biết hát dân ca sẽ làm cho các em thêm yêu thêm quý câu Ví, Giặm quê nhà”
Về phía các em học sinh theo khảo sát của nhóm điều tra xã hội học của trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tại các trường học trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các em đều mong muốn được học hát dân ca Ví, Giặm, các em thích các làn điệu có giai điệu nhẹ nhàng nhưng không quá rề rà giàn trải, về hình thức truyền dạy thì các em mong muốn được học hát từ các thầy cô giáo, từ các nghệ nhân và được xem các VIDEO dân ca Ví, Giặm đặc tả được không gian diễn xướng của làn điệu đó, ngoài ra các em cũng mong muốn được đến các làng quê, gặp gỡ các nghệ nhân Ví, Giựm để tìm hiểu thêm về nguồn gốc xuất xứ, hoàn cảnh và không gian diễn xướng của từng làn điệu.
Em Phan Thị Thanh học sinh trường THCS Hà Huy Tập tâm sự: “em thích những bài hát có nhịp điệu vui vẻ, có từ ngữ dễ hiểu, những bài hát diễn tả về lứa tuổi của các em, chúng em yêu dân ca nhưng phải có người chỉ dẫn thì chúng em sẽ được tiếp thu một cách nhanh hơn”
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chuyên viên Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An chia sẻ: “ Chúng ta có một lợi thế là có đội ngũ giáo viên âm nhạc được đào tạo bài bản, chính quy, và trong chương trình chính quy của các em học sinh có một bộ môn là bộ môn âm nhạc, các em học sinh trên địa bàn Nghệ An lại có truyền thống hiếu học nên đó là những điều kiện cần và đủ để chúng ta triển khai chương trình đưa dân ca vào trường học được thành công”
Đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học là một chủ trương đúng đắn, là trách nhiệm, tình cảm và niềm tự hào của đội ngũ giáo viên học sinh đối với di sản được hình thành ngay trên chính quê hương của mình
Trong thời kí hội nhập sẽ có rất nhiều luồng văn hóa, với các dòng nhạc sôi động thâm nhập vào thế hệ trẻ với những thách thức đó để dân ca Ví, Giặm tồn tại và phát triển thì các cấp ngành cần nhanh chóng hoàn thiện các phần việc cụ thể của chủ trương, đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học, sự nề nếp và bài bản trong trường học sẽ là không gian diễn xướng sống động để cuốn hút các em đến với Dân ca Ví, Giặm góp phần bảo tồn Di sản Văn hóa Đại diện của Nhân loại một cách có chiều sâu và bền vững nhất./.
Trịnh Văn Phú