Đi tìm không gian mới cho Ví Giặm

Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ các giá trị văn hóa cổ xưa của vùng Nghệ Tĩnh, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ các giá trị văn hóa cổ xưa của vùng Nghệ Tĩnh, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Với tầm quan trọng đó, cách đây 5 năm vào ngày 27/11/2014, Unesco đã chính thức công nhận dân ca Ví Giặm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và động lực to lớn để dân ca Ví Giặm tiếp tục vượt qua ranh giới lãnh thổ đến với thế giới nhưng đồng thời cũng là thách thức.

Thách thức bởi vì có được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Có những di sản dù đã được Unesco vinh danh nhưng không thực hiện được cam kết với Unesco nên đã bị Unesco gạt ra khỏi danh sách. Khi bước chân ra thế giới rộng lớn, mỗi di sản văn hóa phải mang đặc trưng riêng của mình để không bị lẫn lộn, hòa tan trong dòng chảy văn hóa đa thanh, đa sắc. Đồng thời, đây còn là lời nhắc nhở chúng ta về cách ứng xử với di sản khi được vinh danh.

Lại nói về cam kết đối với Unesco, theo công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của Unesco, quy định vai trò của các quốc gia thành viên: “áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ”. Trong đó, “bảo vệ” là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, củng cố, truyền dạy, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính quy hoặc không chính quy cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này. Ngay sau khi được vinh danh, thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên phát biểu: “Từ nay, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại, Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của dân ca Ví Giặm. Việt Nam có những chính sách vinh danh các nghệ nhân để trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ để di sản mãi trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Bảo tồn và Phát huy Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh theo đúng nội dung đã cam kết với Unesco, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai, xây dựng đề án “Bảo tồn và Phát huy dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030” trình chính phủ phê duyệt. Qua 5 năm vinh danh, chính quyền và nhân dân Nghệ Tĩnh đã nâng niu gìn giữ, truyền dạy và nâng tầm để tạo nên sức sống cho dân ca Ví Giặm.

Môi trường diễn xướng – yếu tố quan trọng trong bảo tồn, phát huy dân ca.

Trong bảo tồn và phát huy dân ca, có nhiều cách thức, biện pháp được thực hiện, trong đó, việc tạo cho dân ca những môi trường diễn xướng thích hợp có ý nghĩa to lớn. Bởi dân ca là loại hình âm nhạc dân gian mang đặc thù riêng, không giống những loại hình âm nhạc khác. Đặc thù riêng đó thể hiện ở quá trình ra đời, hình thức diễn xướng và cách thức lưu truyền. Chúng liên quan chặt chẽ và phản ánh môi trường, thời đại mà chúng được tạo ra. Người dân Nghệ Tĩnh có thể hát khi đi gánh củi, hái măng, hát lúc đi cấy, gặt hái ở ngoài đồng ruộng, cũng có khi đang chèo thuyền trên sông nước, hát khi dệt vải quay tơ, hát khi ru con… tất cả mọi ngành nghề, mọi công việc, mọi địa điểm, mọi hoàn cảnh khác nhau người dân Nghệ Tĩnh đều sáng tạo ra một điệu Ví và Giặm khác nhau. Mỗi bài Ví Giặm tùy theo từng bối cảnh sinh hoạt đó mà được đặt tên. Chính vì lẽ đó mà ngay trong cái tên của những câu hò điệu Ví cũng đã gắn với các nghề nghiệp lao động rồi: Ví phường cấy, Ví phường gặt, Ví phường vải, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể…; Về hình thức diễn xướng, các sáng tác và sinh hoạt của người dân đều là sự ứng biến linh hoạt, theo phương pháp ngẫu hứng tức thì, “cảnh nào tình ấy”, “lời ca nào hình thức diễn xướng ấy”.  Đối tượng thực hành vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là khách thể thưởng thức. Chính cái không khí ồn ào, lời chê bai hoặc khích lệ của những người nghe, tâm trạng cay cú thi đua sáng tác ra những câu mới để đáp lại đối phương, với những con người và cảnh vật xung quanh tạo ra nguyên nhân kích thích sự sáng tạo, tạo cảm hứng sáng tạo cho người hát. Những yếu tố độc đáo này đã đem đến cho Ví Giặm nét bản sắc riêng không nơi nào có được.

Trải qua thời gian, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, rồi xây dựng cuộc sống XHCN, bên cạnh đó là quá trình CNH, HĐH toàn cầu đã làm cho nhiều không gian và môi trường diễn xướng Ví Giặm biến mất, trong một thời gian khá dài dân ca không còn là công cụ giải trí hữu hiệu của người dân nữa, công cuộc bảo tồn dân ca cũng lỏng lẻo hơn.

Sớm ý thức được tầm quan trọng của môi trường và không gian diễn xướng cũng như sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống sẽ trở thành mối đe dọa đối với công tác xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt dân ca Ví Giặm là biểu trưng cho tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ; trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều trăn trở và động thái tích cực nhằm đưa dân ca Ví, Giặm sống lại mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Từ sau khi Ví Giặm được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại đã làm thay đổi nhận thức và tiếng nói đồng thuận của cả cộng đồng, công tác bảo tồn và phát huy môi trường diễn xướng có sự chuyển biến rõ rệt. Đây là thời kỳ mà vấn đề gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc chưa bao giờ được quan tâm mạnh mẽ đến vậy. Dường như, khi xã hội càng phát triển, tiến đến văn minh thì loại hình văn hóa truyền thống lại là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

Bảo tồn hay phát huy?

Không phải cho đến bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề bảo tồn môi trường diễn xướng cho dân ca mà trong suốt mấy chục năm vừa qua, Ví Giặm và chỗ đứng của nó trong đời sống cộng đồng luôn là một vấn đề nhức nhối và đáng quan tâm của các nhà quản lý. Việc bảo tồn môi trường diễn xướng của dân ca Ví Giặm không phải là vấn đề đơn giản. Nếu chúng ta lưu giữ được các làn điệu nguyên gốc mà không bảo tồn được môi trường diễn xướng thì sự bảo tồn ấy vẫn chưa trọn vẹn. Nhưng câu hỏi đặt ra là bảo tồn như thế nào? Cách bảo tồn tốt nhất, đầy đủ nhất chính là bảo tồn không gian nguyên sơ đã sản sinh ra Ví Giặm, đó là môi trường diễn xướng dân gian, là môi trường của lao động; không gian của dân ca là không gian của vũ trụ bao la với sông, với đồng, với núi non đại ngàn, với biển cả, với đời sống chân chất thôn dã của người dân. Bởi dân ca là của dân gian, hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, văn học dân gian yêu cầu chúng ta quay trở lại cái thời đại đã sinh ra và nuôi dưỡng nó, sống lại cuộc sống của những người sáng tạo và nuôi dưỡng nó, phải làm sao để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành “món ăn tinh thần”, thành phương tiện giãi bày cho con người hôm nay. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới thấy hết cái hay, cái đẹp của dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, mới thấy hết được ý nghĩa và vị trí của nó trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta không thể chối cãi, đó là nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ mà cuộc sống của chúng ta đã được cải thiện lên rất nhiều. Nhờ có thông tin mà con người có nhận thức mới, có cách tiếp cận mới. Cũng nhờ đó mà con người có thể lưu giữ, truyền bá các giá trị văn hóa của quá khứ, con người có thể phổ biến, trao đổi các giá trị, giao lưu học hỏi văn hóa giữa các dân tộc khác nhau, làm cầu nối của các quốc gia trên thế giới. Con người cũng có nhiều thời gian hơn. Người ta đi lại nhanh hơn, thông tin nhanh hơn, làm việc nhanh hơn, ăn uống nhanh hơn, nội trợ nhanh hơn…Nhưng cũng có một câu hỏi đặt ra là tại sao con người mỗi ngày sống vội vàng hơn, phù phiếm hơn, tại sao tinh thần càng ngày càng căng thẳng hơn, và ngày càng nhiều áp lực gây nên bởi thời gian? Người ta không hát dân ca cho vơi bớt mệt nhọc trong lúc làm việc căng thẳng, người ta cũng không hát giao duyên khi đi tìm bạn trăm năm, người ta cũng không hát tự sự trữ tình mỗi lần khuyên bảo con cái… như cha ông ta vẫn thường làm? Đơn giản bởi môi trường sống đã thay đổi và chúng ta chưa đủ tiềm lực để phát huy nó trong cuộc sống đương đại. Do đó, việc phục hồi môi trường diễn xướng thật của dân ca Ví Giặm là vô cùng khó khăn bởi cuộc sống đương đại khác quá xa so với cuộc sống lao động của cha ông ngày xưa. Cái không gian nguyên sơ đã sản sinh ra loại hình dân ca Ví Giặm nay đã không còn nữa. Cơ cấu kinh tế thay đổi, nhịp sống thay đổi cũng đã làm thay đổi đời sống văn hóa của người dân. Môi trường diễn xướng của lối hò hát đối đáp hồn nhiên như vậy cũng bị mất đi. Kéo theo đó chính là sự mai một, thất truyền của dân ca Ví Giặm. Không gian, mức độ hiện diện của Ví Giặm đã có sự biến đổi theo thời gian:

Thứ nhất, các hình thức nghệ thuật sinh ra và gắn liền với thực hành lao động xã hội thì nguy cơ biến mất gần như hoàn toàn. Ngày nay trên đồng ruộng máy móc nông nghiệp thay cho trâu cày, người cấy; trên sông nước xuồng máy, tàu máy thay cho thuyền bè chèo tay; môi trường rừng núi cũng vắng bóng người đi gánh củi vì bếp ga bếp từ thay cho bếp củi; các làng nghề  truyền thống với khung dệt đạp chân biến mất thay vào đó là các nhà máy dệt hiện đại. Tác động của kinh tế thị trường và nhân tố thương mại hóa đã làm biến dạng các hình thức sinh hoạt dân ca Ví Giặm và ảnh hưởng đến nhận thức của người dân đối với di sản. Đây chính là nguyên nhân làm biến mất không gian thực hành xã hội của dân ca.

Thứ hai, những hình thức nghệ thuật trình diễn trong sinh hoạt giải trí ở gia đình và cộng đồng (hội hè đình đám, hát giao duyên, hát tự tình, hát tự sự, hát giáo huấn….) đang bị thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ. Môi trường sống, sở thích, thị hiếu văn hóa của người dân ngày càng hiện đại hóa, toàn cầu hóa cũng như sự lấn át du nhập của nhiều xu hướng văn hóa hiện đại nên vị trí của dân ca Ví Giặm trong đời sống cộng đồng ngày càng thay đổi theo xu hướng giảm về mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó. Sự nở rộ của các loại hình giải trí hiện đại ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Kéo theo đó là sự biến mất của không gian văn hóa làng xã. Người thích hát và nghe hát dân ca ngày càng ít đi, những tục hát phường, hát hội đối đáp giao duyên…ngày xưa đã không còn nữa. Các trò chơi dân gian gắn với các bài Giặm đã biến mất; vắng dần những cây đa, bến nước, sân đình. Các điển tích, điển cố Hán Việt trong các bài hát Ví dần mất do thế hệ sau ít am hiểu về chữ Hán…Ti vi, băng đĩa nhạc giá rẻ lấn chiếm thời giờ rảnh rỗi của người dân. Thông tin đa phương tiện đã và đang biến họ thành lớp người hưởng thụ nghệ thuật chứ không tự sản sinh nghệ thuật như xưa nữa.

Thứ ba, các công trình văn hóa gắn với không gian sinh hoạt dân ca Ví Giặm như đình, đền, chùa bị hủy hoại phần lớn. Không gian giành cho các loại hình nghệ thuật trình diễn trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian thờ thần và trong các tôn giáo ít nhiều bị biến động và cũng có khả năng biến mất.

Trong những trường hợp như vậy, nếu cứ bảo tồn là buộc phải trôn trọng, hay phải bảo toàn không gian văn hóa nghệ thuật cổ truyền một cách cứng nhắc, bảo thủ, cực đoan thì việc bảo tồn sẽ trở nên bế tắc. Vì thế đôi lúc cũng cần có một cái nhìn cởi mở hơn, thoáng đãng hơn, thậm chí phát triển hơn. Đặt trong một thời đại, một xã hội “động” và “mở”, với những con người hiện đại, năng động, nhanh nhạy với cái mới, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh muốn tồn tại, phát triển, không thể giữ mãi cái “tĩnh”, cái bất biến, mà cũng phải “động” theo, nhằm đổi mới mình cho phù hợp với thời đại.  Bên cạnh bảo tồn phải kết hợp phát huy, tạo ra những môi trường diễn xướng mới thích hợp để dân ca tiếp tục được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Bởi sự biến đổi môi trường diễn xướng của dân ca là một vấn đề tất yếu có tính chất quốc tế, theo trào lưu và quy luật. Chúng ta phải chấp nhận trào lưu, chấp nhận sự thay đổi tất yếu. Chấp nhận để tồn tại và phát triển. Nếu không chấp nhận sự chuyển đổi tất yếu đó, chúng ta sẽ để mất đi rất nhiều những hình thức nghệ thuật có giá trị văn hóa cao và giá trị nghệ thuật kiệt tác do nhân dân sáng tạo trong trường kì lịch sử. Nếu không chấp nhận, chúng ta sẽ không tìm được tiếng nói đồng thuận, không tìm được những giải pháp có tính khoa học để bảo tồn những giá trị nghệ thuật của quá khứ cho mai sau.

Trong khi đó dân ca Ví Giặm là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian rất dễ thích ứng với môi trường, không đòi hỏi cầu kỳ về mặt không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn xướng, không cần đến nhạc cụ, đạo cụ, trang phục phức tạp, có thể thực hành một cách cá nhân hoặc tập thể từ các nhóm nhỏ đến trình diễn trước đông đảo công chúng. Bất cứ không gian nào cũng có thể là môi trường diễn xướng của dân ca Ví Giặm. Do vậy Ví Giặm là loại hình nghệ thuật dễ tiếp nhận và dễ phổ biến, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng những người Nghệ An và Hà Tĩnh ở mọi vùng đất nước. Đó chính là lý do cho dù cuộc sống có thay đổi thì người dân xứ Nghệ cũng đã biết chuyển đổi một cách linh hoạt không gian diễn xướng theo từng giai đoạn khác nhau. Qua một thời gian dài hàng thế kỷ, dân ca náu mình trong các sinh hoạt lao động, trong hội hè đình đám và các môi trường sinh hoạt khác nhau, dù là không chuyên trong bất kỳ hình thức nào, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn thấy dân ca hiện diện với đủ muôn màu sắc trong cuộc sống hiện đại của chúng ta như: Dân ca trên sân khấu chuyên nghiệp, dân ca trong trường học, dân ca trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng, dân ca trên sóng phát thanh truyền hình, dân ca giao lưu trước giờ hội họp, nơi gặp mặt bạn bè, hát dân ca trong đám cưới, liên hoan dân ca, festiva dân ca, dân ca tại các điểm du lịch, trong nhà hàng khách sạn, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là “ký sinh” trong những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, trở thành món ăn tinh thần của người dân ở hầu khắp mọi vùng miền đất nước… Đặc biệt, từ sau khi Unesco đưa Ví Giặm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì sự hiện diện của dân ca Ví Giặm chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Số lượng CLB dân ca Ví Giặm tăng từ 82 CLB năm 2014 lên đến 120 CLB năm 2019, thậm chí nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng lần lượt xuất hiện các CLB dân ca Ví Giặm, hoạt động nổi bật nhất là CLB Unesco dân ca Ví Giặm tại Hà Nội. Ví Giặm còn mở rộng ra phạm vi quốc tế như biểu diễn ở Úc trong chương trình “Văn hóa phương đông – Asiafest” do Đại sứ quán phối hợp Hội sinh viên Việt Nam tại Úc mời tham dự vào năm 2015. Tại Lễ hội, Ban tổ chức đã bố trí không gian diễn xướng tự nhiên, hoang sơ, toát lên sự yên bình của làng quê Việt Nam, khiến các nghệ sỹ cảm thấy gần gũi, thân thuộc; Bên cạnh đó trong lĩnh vực du lịch, Ví Giặm cũng trở thành động lực và lợi thế phát triển của ngành này. Ví Giặm trong những năm gần đây đã trở thành sản phẩm du lịch “có hàm lượng văn hóa cao, dung lượng văn hóa lớn, hình thức văn hóa hiện hữu, nội dung văn hóa tiềm ẩn, tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch”. Còn vấn đề đưa dân ca vào trường học cũng không manh mún, lẻ tẻ như lúc mới bắt đầu thực hiện ý tưởng mà đã được cụ thể hóa bằng những cuộc điều tra khảo sát sâu rộng, những cơ sở lý luận chặt chẽ, từ đó có những biện pháp cụ thể nhằm đưa dân ca trở thành môn học chính thức ở các cấp học.

Để thấy rằng những giá trị vốn có mà chúng ta tiếp cận hôm nay không phải là bất di bất dịch, mà đã có sự bổ sung, hoàn thiện dần theo điều kiện phát triển của xã hội qua từng giai đoạn. Ở mỗi thời kỳ, không gian diễn xướng lại thay đổi và như một lẽ tất yếu, hình thức sinh hoạt và trình diễn cũng được thay đổi phù hợp với cuộc sống đương đại. Do đó, có thể nói người dân xứ Nghệ đã làm cho Ví Giặm thích nghi tương tác với tất cả phương thức sinh hoạt. Đó chính là lý do Ví Giặm vẫn luôn trường tồn song hành với đời sống của con người. Khi dân ca được chính người dân vừa là người bảo tồn, sáng tạo, vừa là người hưởng thụ tham gia tích cực và đặt trong dòng chảy của đời sống thì chắc chắn sẽ có được sức sống lâu bền trong mọi thời đại.

Tuy nhiên, bên cạnh phát huy thì chúng ta cũng rất cần bảo tồn và giữ “nguyên vẹn” những giá trị văn hóa và nghệ thuật trong các không gian văn hóa cổ truyền đến hết khả năng mà chúng ta có thể có. Việc phát huy môi trường diễn xướng không đồng nghĩa với việc làm méo mó nội dung âm nhạc, cấu trúc âm nhạc bởi suy cho cùng không gian bằng nhân tạo với sân khấu, lễ hội… không thể đủ sức để tái tạo và phản ánh không gian ban đầu của dân ca và dân nhạc cổ truyền.

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy môi trường diễn xướng dân ca Ví Giặm

Dân ca Ví Giặm là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng. Để bảo tồn và phát huy môi trường diễn xướng của Ví Giặm theo tinh thần Công ước của Unesco có một số giải pháp sau:

+ Chính sách trợ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân trong CLB dân ca Ví Giặm.

Nghệ nhân chính là “báu vật” nhân văn sống giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa truyền thống. Nhưng trên thực tế hiện nay, chính sách trợ cấp cho nghệ nhân vẫn chưa thỏa đáng, chưa đủ sức để tạo động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu di sản. Các CLB hiện tại chủ yếu hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, tập hợp theo kỳ liên hoan, hội thi hội diễn, rất ít CLB sinh hoạt đều đặn, thậm chí một số CLB chỉ tồn tại trên danh nghĩa nhưng thực chất gần như không hoạt động. Điều này không thể trách nghệ nhân mà trách nhiệm nằm ở các nhà quản lý. Họ đã “bỏ quên”, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân, những người được coi là hồn cốt, nền tảng làm nên giá trị đích thực của các di sản. Chúng ta không chỉ mãi hô hào, kêu gọi bảo vệ di sản bằng những công văn, kế hoạch mà quên mất rằng nghệ nhân cũng cần sống, cũng cần kinh phí để hoạt động, không phải gồng mình hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chỉ với niềm đam mê, yêu thích. Bởi vậy, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay một chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân, e rằng di sản và loại hình nghệ thuật còn đấy nhưng hồn cốt thì đã dần mai một và mất hẳn.

+ Phát huy môi trường diễn xướng qua con đường du lịch.

Nghệ An mỗi năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước với  hàng trăm địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Đây là một thị trường khán thính giả khách du lịch đông đảo rất thuận lợi kết hợp để quảng bá cho di sản dân ca Ví Giặm. Sau khi được Unesco vinh danh, Nghệ An tích cực triển khai các phương án đưa dân ca vào phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta làm đến nay cũng mới chỉ có tính chất manh mún, chưa bài bản. Ngành du lịch vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc giới thiệu dân ca ví Giặm đến với du khách. Chưa có đơn vị nào thiết kế hay tổ chức một chương trình du lịch mang tính chuyên sâu lấy dân ca Ví, Giặm làm trọng tâm; chưa có công ty du lịch nào xem dân ca Ví, Giặm là một điểm nhấn thật sự trong hoạt động kinh doanh của mình. Các công ty du lịch đang gặp khó khăn về nguồn lực, về nhân sự đủ khả năng để thiết kế các chương trình du lịch mang tính chuyên sâu quảng bá đầy đủ những giá trị nghệ thuật của loại hình dân ca này.

Muốn xây dựng môi trường diễn xướng dân ca Ví Giặm thành công thì việc đầu tiên cần phải làm chính là đào tạo, tập huấn về dân ca Ví Giặm cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trên toàn tỉnh. Bởi hướng dẫn viên du lịch là bộ phận quan trọng truyền bá di sản. Họ có thể diễn giải cái hay, cái đẹp, những giá trị và ý nghĩa sâu xa của di sản, qua đó mang đến cho du khách những trải nghiệm, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Nếu du khách thập phương được giới thiệu cặn kẽ về Ví Giặm, sẽ không thể không tâm đắc bởi giá trị của nó đã từng lôi kéo các danh sĩ tài ba, các chí sĩ yêu nước, các nhà khoa bảng, kể cả những danh nhân văn hóa thế giới như Nguyễn Du, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng tâm đắc. Phải nói hát Ví Giặm có giá trị như thế nào mới hấp dẫn, mới lôi cuốn và nuôi dưỡng tâm hồn của các bậc vĩ nhân.  Kể cả sau này, chất liệu và âm hưởng của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã giúp nhiều nhạc sĩ sáng tác những ca khúc sáng giá, làm vẻ vang nền âm nhạc chuyên nghiệp. Ví, Giặm xứ Nghệ cũng đã đủ sức để chuyển hóa từ hình thức diễn xướng dân gian lên hình thức diễn xướng của các đoàn văn công, các nhà hát chuyên nghiệp ở Nghệ Tĩnh.

+ Tổ chức Festival dân ca Ví Giặm mang tầm quốc tế.

Festival là sự kiện văn hóa hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây. Những người đứng ra tổ chức sự kiện này gồm các chuyên gia trong hoạt động nghệ thuật, các công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp và một nhân tố không thể thiếu đó là chính quyền. Đây là một sự kiện quan trọng và cần được lên kế hoạch chuẩn bị thật chính xác, cẩn trọng và tỉ mỉ. Muốn tổ chức một festival có sức sống và đứng vững trong thị trường thì yếu tố đầu tiên chính là chất lượng nghệ thuật. Ý tưởng nghệ thuật chính là linh hồn của festival. Ngoài ra còn phải có công nghệ tổ chức tốt, kỹ nghệ quản trị và quảng bá tốt. Những việc đó sẽ gây được ảnh hưởng to lớn, huy động các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tham gia. Mục đích chính là nhằm giao lưu, tôn vinh di sản, sau đó là mục đích kinh tế –  chính trị. Đây cũng là cách thức tốt nhất để quảng bá hình ảnh của địa phương, xây dựng thương hiệu cho vùng quê xứ Nghệ.

+ Tăng cường tổ chức ngoại khóa dân ca Ví Giặm cho học sinh ở các cấp.

Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức, đã dạy thử nghiệm tại một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh. Cần nhân rộng mô hình này và phổ cập trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động ngoại khóa rất quan trọng. Mục đích học ngoại khóa là để các em tiếp cận với môi trường diễn xướng dân ca Ví Giặm, từ đó có những hình dung bước đầu về không gian văn hóa của loại hình này. Ngoại khóa không chỉ là mời nghệ nhân, nghệ sĩ về tại trường học một cách máy móc các làn điệu mà phải cho các em xâm nhập thực tế, đó có thể là một buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Kim Liên, một buổi biểu diễn của các diễn viên tại Nhà hát dân ca, hay là một buổi sinh hoạt của các nghệ nhân CLB…và trong những trường hợp như vậy cũng có thể cho các em giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân.

Bên cạnh những giải pháp trên, các cấp các ngành cũng cần phối hợp với UBND Tỉnh Nghệ An đề xuất và phê duyệt một số đề tài nhằm xây dựng và bảo tồn môi trường diễn xướng cho dân ca Ví Giặm như:

“Phát huy môi trường diễn xướng dân ca Ví Giặm trong giai đoạn hiện nay”.

“Xây dựng môi trường diễn xướng dân ca Ví Giặm phục vụ phát triển du lịch”.

Những đề tài trên nếu được thực hiện không chỉ bảo vệ và phát huy một số mô hình môi trường diễn xướng trên địa bàn tỉnh nghệ An, hướng đến bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị dân ca Ví Giặm mà còn tạo ra động lực để phát triển các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Lương Vân

Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon