Dân ca xứ Nghệ – “Mời trầu” – nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Nghệ

Suốt mấy ngàn năm lịch sử cho đến ngày nay trầu cau luôn hiện diện trong đời sống và trong tâm thức của người dân Việt Nam.

“Mời trầu” – nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Nghệ

Tay em cầm quả cau vừa đi vừa róc

Tay em cầm lá trầu vừa rọc vừa têm

Đượm tình xứ Nghệ quê em

Trầu này kết nghĩa kết duyên xa gần.

(Mời trầu – Dân ca Nghệ Tĩnh)

Suốt mấy ngàn năm lịch sử cho đến ngày nay trầu cau luôn hiện diện trong đời sống và trong tâm thức của người dân Việt Nam. Trầu cau ngoài việc là lễ vật của khá nhiều hình thức nghi lễ quan trọng hàng năm của người Việt như ngày rằm, lễ tết, cưới hỏi…thì tục ăn trầu cũng được thăng hoa, trở thành một mỹ tục mang đậm nét văn hóa của nhân dân ta.

Tương truyền, tục lệ ăn trầu của người Việt có nguồn gốc từ câu chuyện cảm động về tình anh em, chồng vợ trong “sự tích trầu cau”. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta hướng tới một cuộc sống đạo lý, con người luôn yêu thương, tin tưởng và sống gắn bó với nhau. Cũng như ở nhiều vùng đất khác, tục mời trầu ở vùng đất Nghệ Tĩnh cũng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng và gắn bó thân thiết trong tâm hồn con người. Miếng trầu không chỉ tồn tại trong cuộc sống mà còn đi vào cả trong kho tàng ca dao, dân ca, thi ca và âm nhạc. Bài “Mời trầu” dân ca Nghệ Tĩnh là một trong những sản phẩm đặc sắc thể hiện nét văn hóa đậm chất dân gian của người dân xứ Nghệ đó chính là tục ăn trầu. Miếng trầu đã trải qua một thời gian dài gắn bó và trở thành phương tiện không thể thiếu trong những nghi thức giao tế hằng ngày của người dân địa phương.

Màu xanh của lá trầu và màu trắng của cau, vôi lại cho ra màu đỏ thắm tượng trưng cho tình cảm thắm thiết, thủy chung, son sắt giữa người với người. Bởi vậy, khi khách đến nhà, chủ nhà lúc nào cũng phải có trầu mời khách. Vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò tiếp khách”, nên mỗi khi đến thăm hỏi nhau người ta không thể thiếu một đĩa trầu để mời nhau. Nhờ có miếng trầu, chủ và khách cảm thấy gần gũi, thân mật hơn. Miếng trầu làm tăng thêm tình cảm gắn bó keo sơn và nhân lên niềm vui, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đó là một nếp sống ấm cúng của nhân dân xứ Nghệ: “Miếng cau dầm trù trại, Vôi thuốc quyện thêm nồng, Tình xứ Nghệ thủy chung, Miếng trầu thơm đượm tình nghĩa xóm làng, Mộc mạc quê nhà nhưng đậm đà đằm thắm” (Mời trầu – Dân ca Nghệ Tĩnh).

Không chỉ gắn kết tình nghĩa xóm làng. Miếng trầu cay xứ Nghệ còn được làm vật giao tiếp trong các sinh hoạt dân ca của nhân dân địa phương, đặc biệt là hát Ví phường vải, với mục đích mời khách gần xa tới giao lưu đối đáp: “Đượm tình câu ví dặm, Lòng Phường Vải kết vui, Hồng đôi má lứa đôi, Trầu thêm tình thêm nghĩa, Mà thêm nặng tình nặng nghĩa.” (Mời trầu – Dân ca Nghệ Tĩnh).  Thường thì một cuộc hát Ví phường vải gồm có ba chặng đó là hát dạo, hát đố và hát mời. Sau khi chào hỏi và hát đối đáp xong thì khách mới được mời vào nhà để hát tiếp. Mời trầu chính là diễn ra ở chặng này. Đây cũng chính là chặng sôi nổi nhất của cuộc hát. Mời trầu phản ánh quan hệ hồn nhiên vô tư giữa những người lao động, không phân biệt giàu sang hay nghèo khó, quen biết hay xa lạ, vượt khỏi khuôn khổ một nghi thức, nhằm mục đích giao lưu trao đổi tâm tình. Miếng trầu lúc này làm cho con người gần gũi, xích lại gần nhau hơn. Tục mời trầu trong hát Ví phường vải được Nguyễn Du miêu tả cụ thể trong bài “Thác lời trai phường nón” với những ký ức khó quên: “Giữa thềm tàn đuốc còn tươi, Bã trầu chưa quét, nào người tình chung” và bài văn tế “Trường lưu nhị nữ”: “Ngồi trong nhà, chị em chín mười ả, ả vi, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, cũng có ả trao trầu tận miệng, mỹ nữ như hòa”. Đây là một sinh hoạt văn hóa đẹp đẽ của người dân xứ Nghệ. Nếp sinh họat lành mạnh đậm chất dân gian này cần được khôi phục và bảo tồn để lưu giữ di sản của cha ông.

Hình ảnh trầu cau cũng thường gợi cho người ta liên tưởng tới những chuyện tình yêu, chuyện duyên phận lứa đôi.  Nhắc đến miếng trầu xứ Nghệ là ta không thể không nhắc đến địa vị của nó trong mối quan hệ ứng xử giữa người con trai và con gái. Trầu cau như một nguyên cớ giúp trai gái làm quen với nhau, giao duyên với nhau, tỏ tình với nhau: “Trầu em trao tay tri kỉ, Trầu em bỏ quỹ tri âm, Miếng trầu nụ hoa tiên, Chờ văn nhân em đợi người anh hùng, Miếng trầu nụ hoa hồng em đợi người quân tử” (Mời trầu – Dân ca Nghệ Tĩnh). Miếng trầu chứa đựng tình cảm của người têm và “thay chủ” gửi gắm những thông điệp, ý nghĩa sâu xa một cách kín đáo và tế nhị. Lúc này miếng trầu chỉ trao cho “người trong mộng”và người kia cũng chỉ nhận trầu khi đã đồng ý đón nhận tình cảm của đối phương. Còn khi đã “trầu trao thuốc mở, Khi môi thắm miệng cười, Trầu kết nghĩa làm đôi” chính là lúc hai người đã nên duyên vợ chồng và miếng trầu chính là cội nguồn cho sự bắt đầu đầy hứng khởi đó. Bởi vậy trong lễ cưới hỏi rước dâu dân gian ta thường xem trầu cau như một lễ vật đặc biệt quan trọng gắn kết duyên phận của con người:“Miếng trầu nên dâu nhà người”. Sự kết hợp của cau, trầu, vôi tạo thành màu đỏ của may mắn, màu của hạnh phúc, thể hiện mong muốn đôi vợ chồng mới luôn bên nhau, quấn quýt, thủy chung, lấy tình nghĩa làm đầu. Đó là một nghi thức độc đáo của nhân dân ta. Cho đến ngày nay, mặc dầu không còn mấy ai ăn trầu nhưng trầu cau vẫn mang cốt cách tao nhã, sang trọng, vẫn là “đầu trò tiếp khách” trong những dịp lễ nghi quan trọng.

Với những ngôn từ đơn giản mộc mạc đã làm cho bài dân ca gần gũi hơn với cuộc sống, lời mời trầu cũng trở nên tha thiết chân tình: “Gió hương đưa khách tới, Trăng chỉ lối đưa đường, Xin nhận miếng trầu thơm, Bén duyên nhau ta xích lại thêm gần, Câu Ví Giặm ân tình, đẹp miền quê xứ Nghệ, Đẹp tình người xứ Nghệ”. Không nhận, không ăn, từ chối sao được. Bởi trầu này là “trầu tính, trầu tình”, là trầu “kết nghĩa, kết duyên” xa gần, là miếng trầu tô đậm tình cảm thủy chung, son sắt, đẹp đẽ nên dù không ăn cũng phải “cầm lấy cho nhau vừa lòng”.

Miếng trầu tuy đơn sơ giản dị nhưng lại chứa đựng biết bao tình nghĩa. Dù năm tháng có trôi đi thì miếng trầu cay xứ Nghệ vẫn còn đó những giá trị độc đáo làm “say” lòng người. Và tục “Mời trầu” đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ thêm phong phú, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của quê hương. Tin rằng miếng trầu xứ Nghệ mãi mãi tồn tại trong cuộc sống và trong tâm thức mỗi người dân nơi đây.

Lương Vân

Trung tâm BT&PHDS Dân ca Xứ Nghệ

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon