Chào mừng sự kiện dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại

P.V: 23h10 phút tối 27/11 (giờ Việt Nam), Dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh chính thức được vinh danh là đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xin đồng chí cho biết cảm xúc của mình khi Dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh được UNESCO xướng danh?

Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh: Khó có thể diễn tả bằng lời cảm xúc của tôi cũng như các thành viên trong phái đoàn lúc đó. Sau tiếng gõ búa quyết định của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO, di sản ví, dặm của Việt Nam chính thức được ghi vào danh sách di sản đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại, mọi người như vỡ òa trong niềm vui, niềm tự hào xúc động. Bởi, sản phẩm tinh thần của người dân lao động Nghệ – Tĩnh đã được cả thế giới biết đến và ghi nhận. Điều đó, chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Nghệ – Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung trong dòng chảy hội nhập văn hoá thế giới. Từ đây Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được quảng bá rộng rãi đến cộng đồng quốc tế; nâng tầm lan tỏa ra năm châu, bốn biển, được cả nhân loại chung tay bảo tồn…
P.V: Vinh dự, tự hào, nhưng đó cũng là trách nhiệm lớn lao. Theo đồng chí, chúng ta cần làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị của Dân ca, ví dặm xứng tầm là đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh: Hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta phải hết sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản Dân ca ví, dặm Nghệ – Tĩnh trong đời sống nhân dân, để Dân ca ví dặm Nghệ – Tĩnh có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thêm vẻ đẹp nền văn hóa giàu bản sắc trong dòng chảy hội nhập…
Thời gian tới, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tập trung nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, dặm Nghệ  -Tĩnh, xứng với những giá trị nhân văn của nghệ thuật độc đáo này. Đó là phải có chiến lược dài hơi với những kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị của Dân ca ví, dặm như: truyền dạy dân ca bằng nhiều hình thức (đưa dân ca vào trường học; mô hình CLB; dạy hát dân ca trên internet, sóng phát thanh – truyền hình)…; đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản; tổ chức sưu tầm, nghiên cứu về Dân ca ví, dặm; tổ chức các liên hoan ví, dặm các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ; phục hồi một số làn điệu cổ; đồng thời, phát huy Dân ca ví, dặm làm chất liệu cho các sản phẩm đương đại trở thành những bài ca đi cùng năm tháng…
Về lâu dài, công tác bảo tồn là phải phát huy tốt CLB dân ca ở các địa phương, kết hợp với các công ty lữ hành du lịch, bố trí tuor, vừa tham quan danh thắng, di tích, vừa nghe hát dân ca ở CLB. Cùng đó, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cần phát huy vai trò tích cực cùng các nghệ nhân ở các địa phương nghiên cứu, sáng tác, thể nghiệm các hình thức thể hiện dân ca và phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các thành viên CLB dân ca cũng như người dân ở các địa phương…
P.V: Dân ca xuất hiện trong lao động và sự tồn tại của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đồng hành cùng quá trình lao động, sáng tạo của nhân dân. Vậy trong chiến lược bảo tồn Dân ca ví, dặm xứ Nghệ, phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở đóng vai trò như thế nào?
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh: Chúng ta biết rằng, dân ca xuất hiện trong lao động và sự tồn tại của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đồng hành cùng quá trình lao động, sáng tạo của nhân dân. Do đó, cần khuyến khích những CLB dân ca ở cơ sở, với không gian làng quê, bến nước, sân đình thì sức hút của loại hình nghệ thuật dân gian này mới thật sự cuốn hút và thú vị. Nó hay, hấp dẫn bởi không gian mở, gần gũi… thông qua đó, những làn điệu, bài hát dân ca bật lên một cách tự nhiên và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Cũng như các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian khác, Dân ca ví, dặm đang đối mặt với nhiều thách thức về thay đổi môi trường diễn xướng trong đời sống đương đại. Môi trường ở đây không chỉ đơn thuần là khung cảnh, sân khấu làng quê, hay sân khấu ngập tràn ánh đèn, mà bao hàm trong đó là người hát xướng, chơi nhạc cụ, sáng tác lời mới cho phù hợp và một yếu tố quan trọng khác – đó là vật chất. Giải quyết hài hòa được những vấn đề căn bản đó, dân ca sẽ có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, trường tồn cùng dân tộc.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
P.V (Thực hiện)
Dẫn nguồn từ Báo Nghệ An – http://baonghean.vn/
Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon