Sáng nay, ngày 28/6/2024 Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Nghệ An đã tổ chức Lễ Bế giảng lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng của thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên năm 2024.
Dự Lễ bế giảng có Đ/c Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đại diện các phòng liên quan thuộc Sở; lãnh đạo Phòng GD&ĐT, phòng Văn hóa và Thông tin, lãnh đạo Trung tâm VHTTTT thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên; các thầy cô giáo phụ trách âm nhạc của các trường THCS và Tiểu học có học sinh tham gia lớp học, các giảng viên, các bạn học sinh và đông đảo phụ huynh học sinh cùng tham gia.
Phát biểu tại Lễ Bế giảng, Đ/c Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh đánh giá: Lớp truyền dạy đã cho các em có thêm nhiều trải nghiệm quý giá trong dịp hè. Tại lớp học các em được thực hành hát các làn điệu dân ca gốc và cải biên, được trải nghiệm các hoạt động xây dựng hoạt cảnh, tiểu phẩm, kịch ngắn cũng như rèn luyện kỹ năng tiếp cận và làm chủ sân khấu.
Nhạc sĩ Trần Quốc Chung – Phó Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh phát biểu tại Lễ Bế giảng
Ban tổ chức biểu dương tinh thần học tập của các em, nhiều em yêu và say mê Ví, Giặm, sự nhiệt tình của các bậc phụ huynh đưa đón các cháu vượt nắng thắng mưa để đi đến lớp học đều đặn hàng ngày. Đặc biệt có những bạn mới học hết lớp 1 như bạn Diệp Anh (Trường tiểu học Hưng Phúc), bạn Linh Đan lớp 2 (Trường tiểu học Trường Thi), … dù còn rất bé nhưng các em vẫn rất hăng say và theo hết chương trình của lớp. Như vậy cũng đủ để thấy rằng dân ca Ví, Giặm vẫn còn đủ sức hấp dẫn, đủ sức lôi cuốn đối với các em nhỏ hiện nay.
Vượt qua 12 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng học với các thầy cô là cán bộ nghệ sĩ trung tâm, đến nay các em đã được truyền tải và trải nghiệm nhiều kiến thức quý báu, nắm vững, thực hành nhuần nhuyễn các làn các làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đặc biệt hơn các làn điệu dân ca được lồng vào lời thoại thông minh, dí dỏm qua Tiểu phẩm kịch thiếu nhi “Dê con vâng lời mẹ”, “Dê con với an toàn giao thông” và “Dê đi nghe hát dân ca Ví, Giặm”, của tác giả là cán bộ, nghệ sĩ chuyên môn của Trung tâm đã biên soạn và chuyển thể, lồng điệu vào vở kịch phù hợp với lứa tuổi. Các em rất hào hứng, say mê hoá thân vào vai diễn, kể câu chuyện bình dị trong cuộc sống mang thông điệp giáo dục về tính đoàn kết, yêu thương nhau trong gia đình, về việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông,… Các làn điệu như hát Khuyên, Con cóc, Tứ hoa, Ví đò đưa, Hò bơi thuyền, Thập ân, Giặm nối, Giặm kể, các làn điệu cải biên … được lồng ghép chuyển thể để nhân vật trong vở kịch thể hiện tính cách, hồn cốt thông qua các làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa mềm mại, uyển chuyển thật sâu sắc, mang tính giáo dục và đi vào lòng người dễ hiểu, dễ nhớ.
Chỉ trong thời gian hơn hai tuần học chính thức, được sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp lãnh đạo, các ban ngành cùng với sự nổ lực của cả cô và trò đến nay lớp truyền dạy đã hoàn thành với kết quả vượt mong đợi. Mong rằng sau lớp học này các em tiếp tục trở về với người con, người học trò ngoan và vẫn giữ lửa với đam mê với Ví, Giặm. Đồng thời sau lớp học này Ban tổ chức mong muốn các cấp lãnh đạo phòng Văn hoá, Trung tâm VHTTTT thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên cần có sự chỉ đạo phối hợp thành lập nên CLB dân ca thiếu nhi của thành phố, để duy trì sinh hoạt và biểu diễn vào các dịp lễ, ngày kỉ niệm …của thành phố và lan toả niềm đam mê đó tới cộng đồng.
Tuy nhiên tổ chức lớp truyền dạy năm nay ngoài những thuận lợi thì còn không ít những khó khăn.Thí sinh được tuyển cả thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên là một sự bất lợi về giao thông và khoảng cách địa lý. Vì lý do này cũng là một thiệt thòi cho các bạn học sinh ở xa. Trong số 32 bạn trúng tuyển chỉ có 03 bạn ở huyện Hưng Nguyên theo học hết chương trình. Học sinh chủ yếu tập trung ở cấp tiểu học, lớp 2, 3, 4 … cấp THCS chỉ có 9/32 em tham gia. Các bạn trong độ tuổi còn ngây thơ, chưa có sức khoẻ nhiều để học hát, tập kịch cũng là một cản trở đối với các giáo viên.
Tại Lễ bế giảng, các bạn học sinh đã biểu diễn chương trình báo cáo kết quả học tập với chủ đề “Em yêu câu Ví, Giặm” của nhóm e kip tác giả kịc bản Nguyễn Phương, Đạo diễn NSUT Tạ Dương, Trợ lý đạo diễn: Hồng Hà – Triệu Quyền – Hồng Liên, dạy làn điệu Triệu Quyền – Hồng Liên của phòng NCST thuộc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống tỉnh. Chương trình thật sự ấn tượng được Ban lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao để lại nhiều tình cảm yêu thương trân quý đối với cả cô và trò. Đây thật sự là một sự trải nghiệm thú vị, đầy ý nghĩa đối với các bạn học sinh và sau lớp học này các em có trách nhiệm hơn, nhiệt huyết hơn với sứ mệnh là thế hệ măng non tiếp tục kế thừa, lưu truyền và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa của quê hương mình.
Tổng kết lễ Bế giảng Ban tổ chức đã trao phần thưởng cho 10 em xuất sắc trong học tập và trình diễn, đồng thời cấp Giấy chứng nhận hoàn thành lớp học cho các bạn học sinh.
Ban tổ chức trao phần thưởng cho 10 em xuất sắc trong học tập và trình diễn
Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho học sinh
Từ lớp truyền dạy năng khiếu này chúng ta sẽ có những định hướng, biện pháp phù hợp để đưa Ví Giặm đến gần hơn với thế hệ trẻ, tạo nguồn lực kế cận cho nền nghệ thuật truyền thống và xây dựng hạt nhân văn nghệ cho phong trào hát dân ca tại địa phương. Đến nay đơn vị đã tổ chức được 05 lớp truyền dạy năng khiếu cho học sinh phổ thông tại các địa phương Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, lớp tại huyện Thanh Chương (dự kiến tổ chức vào tháng 7 này). Lớp truyền dạy năng khiếu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng năm 2024 được thực hiện nằm trong Đề án “Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh Nghệ An.
Một số hình ảnh tại Lễ bế giảng:
Thực hiện: Cao Hải
Ảnh: Thục Khuyên