Bảo tồn, Phát huy Dân ca Ví, Giặm – Việc cần làm của con người xứ Nghệ trong thời đại mới

Dân ca Nghệ Tĩnh nói chung, Ví, Giặm nói riêng là món ăn tinh thần gắn bó mật thiết lâu đời không chỉ với người dân xứ Nghệ trong cuộc sống hàng ngày mà còn là mảnh đất màu mỡ để các nhạc sĩ khai thác, sáng tác nên những ca khúc đậm chất dân gian, lay động bao nhiêu thế hệ người Nghệ và nức lòng cả hàng triệu triệu người Việt trong và ngoài nước.

Bên cạnh những bài Ví, Giặm nặng tính giáo huấn như Phụ tử tình thâm, Thập âm phụ mẫu,… là những bài Ví, Giặm nặng nghĩa tình cuộc sống như Ví giận thương, Một lòng em đợi,… Dường như những người Nghệ thuộc các thế hệ 7x về trước đều lớn lên trong lời ru của mẹ, của bà với những bài Ví, bài Giặm ngọt ngào sâu lắng.

Ví, Giặm luôn đi sát cuộc sống người dân xứ Nghệ trong mọi giai đoạn xã hội, mọi biến cố cuộc sống. Ví, Giặm không chỉ sinh ra và phát triển từ ngàn xưa mà vượt qua cả hàng ngàn năm Phong Kiến, Đế quốc vẫn luôn đồng hành cùng người dân Nghệ Tĩnh. Rồi đến hai cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), Ví, Giặm vẫn góp “tiếng nói” cùng toàn thể dân tộc đi đến tháng lợi cuối cùng. Dẫn ra điều này để thấy nhu cầu của người dân  Nghệ Tĩnh đối với Ví, Giặm và sức sống của Ví, Giặm trong đời sống cộng đồng là rất lớn.

Tuy nhiên, trong vài ba thập niên trở lại đây, khi đất nước đổi mới, hội nhập, sự “tấn công” của văn hóa văn nghệ ngoại lai đang làm cho lớp trẻ có xu hướng cuốn hút vào nhạc Jazz, nhạc Rock, với Hip, Hop,… mà quên dần văn nghệ dân gian. Sự phát triển của công nghệ nghe nhìn hiện đại tuy đem lại sắc thái cho cuộc sống mới nhưng cũng dễ làm cho người ta lệ thuộc vào tivi mà sao nhãng dân ca. Cuộc “xâm lăng văn hóa” đó đang tác động mạnh mẽ vào toàn bộ nền văn hóa dân tộc, dẫn đến nguy cơ về một “thế giới phẳng” về văn hóa và các dân tộc đánh mất dần bản sắc của mình. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Đặc biệt, một loại hình dân ca còn gắn với lao động thủ công như Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thì mảnh đất sống còn bị thu hẹp dần trước cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nguy cơ đó càng lớn.

Thế nhưng, thực tế cho thấy trong mấy năm gần đây không ít người dân xứ Nghệ thuộc thế hệ cao tuổi đã trở lại với Ví, Giặm. Một loạt những câu lạc bộ dân ca ra đời thu hút không chỉ người cao tuổi mà cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Ví, Giặm đang sống lại dù chưa rộng rãi.

Những điều vừa trình bày cho thấy sự cần thiết phải có những giải pháp khoa học, hợp lý để bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm.

Ngày 27 tháng 11 năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Danh hiệu cao quý này là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn của mỗi chúng ta, những người hôm nay và các thế hệ mai sau phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết quốc tế cũng như ý nguyện của nhân dân về bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa quý báu mà cha ông ta để lại. Đây cũng là lý do để chúng ta cần phải có những kế hoạch và giải pháp tích cực, cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm trước mắt và lâu dài…

Tuy nhiên, đặc trưng hết sức quan trọng của Ví, Giặm là tính chất cổ sơ gắn bó với lao động thủ công. Lao động là khởi nguồn của dân ca. Các nhà khoa học đã xác định được rằng dân ca mọi dân tộc trên thế giới đều bắt nguồn từ lao động, ban đầu để tạo sự nhịp nhàng, sảng khoái cho người lao động: dân chài Nga đã sáng tạo nên những bài ca kéo thuyền nổi tiếng; người Mông Cổ đã sáng tác nên những khúc ca du mục vang vọng khắp thảo nguyên;… Trái lại những loại dân ca tách rời khỏi lao động đều ra đời sau. Hãy xem tên các làn điệu Ví, Giặm xứ Nghệ với dân ca Quan họ Bắc Ninh chúng ta sẽ thấy rõ những đặc trưng trên. Trong khi hát Ví xứ Nghệ có Ví phường vải, Ví phường nón, Ví phường cấy,… thì hát Quan họ là: Ngồi tựa song đào, Hoa thơm bướm lượn, Bèo dạt mây trôi,…

          Từ đặc trưng trên việc bảo tồn, phát huy Ví, Giặm xứ Nghệ trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dù hết sức cần thiết nhưng không dễ. Và dĩ nhiên không dễ không có nghĩa là không làm được nếu tìm ra được những nhân tố khả thi đã hé lộ trong bản thân những sáng tạo văn nghệ này cũng như trong thực tế nó đang tồn tại hiện nay trong đời sống nhân dân./.

                                                                                      NHH.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon