Bác Hồ với dân ca Nghệ Tĩnh

Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa “Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim”. Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời lại “muốn nghe” một câu Ví, Giặm của quê nhà. Nhiều người nghĩ rằng đây là ước muốn bình dị nhất nhưng đối với Người đây lại là mong ước lớn lao. Cả cuộc đời Bác “hi sinh tình nhà để lo việc nước”, đến lúc sắp đi xa mới dành cho mình một chút riêng tư để nhớ về lời ru của mẹ và câu hát của quê hương Bác luôn phải nén trong lòng.

Vùng quê Nam Đàn không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, nơi lưu giữ những kỷ niệm của tuổi thơ mà còn là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung tắm mình trong dòng sông dân ca sâu lắng của quê hương. Bởi Nam Đàn là quê hương xứ sở của hát phường vải, từ xa xưa đã nổi tiếng có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc: “Thanh Chương là đất cày bừa, Nam Đàn bông vải hát hò thâu canh”. Chàng trai Nguyễn Tất Thành tiếp cận với những khúc hát dân ca khi chàng theo các cụ Phan Bội Châu, cụ Vương Thúc Quý là những nhà nho tham gia hát phường vải nổi tiếng thời bấy giờ. Chàng mê các ông vì tài hát đối đáp nhanh nhạy và hóm hỉnh. Kính phục cụ Phan Bội Châu không chỉ hát phường vải để tiêu khiển mà còn u uẩn một mối tình non nước qua những câu hát đầy chất khích lệ ý thức trách nhiệm với non sông: “Đôi ta cùng giọt máu đào, cùng vòng nô lệ, biết thuở nào tự do? Thù này chất hãy còn lâu, trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”.

Người để lại nhiều kỷ niệm và in dấu ấn sâu sắc nhất vào cuộc đời của Bác chính là thân mẫu của Người, bà Hoàng Thị Loan. Bà Loan sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, có đầu óc thông minh, lại sống ở Nam Đàn, một địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời nên bà đã tích lũy được một vốn kiến thức dân gian phong phú. Bà không được đi học nhưng lại biết rất nhiều chữ, thuộc cả từng chương sách. Mười một năm trời sống với chồng ở Hoàng Trù, ban ngày bà một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng nuôi chồng ăn học, tối đến lại ngồi bên khung cửi vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con ngủ bằng những làn điệu dân ca quê nhà. Đối với Sinh Cung, mẹ là cả một kho truyện cổ tích, ca dao và dân ca. Mẹ thường dạy hai anh em cậu những câu đầy ý nghĩa: “Thương người như thể thương thân; Làm người đói sạch rách thơm, Công danh phủi nhẹ nước non đáp đền”. Mẹ đã truyền lại tất cả cho con qua những lời ru ấm cúng, những khúc hát dân ca đã nhen nhóm vào lòng các con tình yêu quê hương đất nước. Bà đã nêu một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Nếp sống giản dị thanh tao đậm chất văn hóa dân gian của bà đã ảnh hưởng rất lớn đối với con cái. Điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Displaying Untitled-4.png

Với hai bàn tay trắng, Nguyễn Ái Quốc đã đi khắp năm châu bốn biển để tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Người bôn ba khắp mọi nơi trên thế giới nhưng những lời ru của mẹ và câu Ví Giặm quê nhà vẫn luôn lắng đọng trong tim của Người. Có lần về hoạt động cách mạng ở Thái Lan, nửa đêm nghe tiếng bà mẹ Việt Kiều ru con bằng giọng Ví phường vải thân quen Người đã thốt lên: “Xa nhà chốc bấy nhiêu niên, Nửa đêm nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Những lần công tác ở Liên Xô có lúc Người vừa ngồi tiếp cận với luận cương của Lê Nin lại vừa nghĩ đến quê hương Nghệ Tĩnh yêu dấu của Người.

Sau này khi đã trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận trăm công nghìn việc Người vẫn không quên những điệu Ví Giặm của quê hương. Khi về thăm nhà sau gần năm mươi năm xa cách, Người đã giành một buổi tối để xem những tiết mục đặc sắc nhất của dân ca Nghệ Tĩnh. Bác chăm chú theo dõi, tiếng ca ngân xa, âm điệu mênh mang: “Thuyền em lên thác xuống ghềnh, nước non là nghĩa là tình ai ơi”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh vinh dự được ngồi bên cạnh Bác, khi chờ đợi sân khấu thay đổi tiết mục, Bác ghé tai nói với anh: “tiếng Nghệ ngày xưa không nói nước mà là nác, nghĩa thì nói là ngãi: Nác non là ngãi là tình ai ơi”. Đúng là “Xa nhà ba mươi năm, một câu Kiều Người vẫn nhớ, Lòng son ngời như buổi mới ra đi”. Bác rất am hiểu nghệ thuật cũng như phong vị đặc sắc của dân ca xứ Nghệ. Bác đã xem và góp ý một cách chân tình, nhẹ nhàng. Nhờ Bác trực tiếp góp ý, chỉnh sửa cho nhiều diễn xuất, ca từ, tiết mục dân ca nên kể từ đây, đoàn nghệ thuật tỉnh nhà đã vươn lên gặt hái được nhiều thành công, kịch hát dân ca sau này trở thành kịch chủng riêng trong làng sân khấu Việt Nam một phần chính là nhờ tiếp thu và thực hiện những lời dạy của Bác.

Khi đoàn văn công Quân khu IV được vào Phủ chủ tịch thăm Bác và hát các điệu dân ca miền Trung cho Bác nghe. Biết chị Mai Tư quê ở Đô Lương Bác cười dí dỏm: “à, trai Cát Ngạn, gái Đô Lương”. Rồi Bác bảo chú Kỳ gọi các đồng chí làm việc ở gần đó cùng đến nghe hát dân ca Nghệ Tĩnh. Các nghệ sĩ hát xong Bác hỏi mấy đồng chí ngồi xung quanh: “có hay không các chú”? Mọi người khen hay. Bác bảo: “Hay thì vỗ tay đi chứ”. Bác lại hỏi Mai Tư: “Trong ta chừ có dệt vải nữa không”? “Có phường vải không?” “Cháu có biết hát phường vải không”?” Rồi Bác bảo Mai Tư hát một câu mà các cụ ngày xưa thường hay hát. “Khuyên ai chớ lấy học trò, Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Mai Tư lúng túng không biết Bác nhắc: “Lưng dài có võng đòn cong; áo dài đã có lụa hồng vua ban”. Nghe Bác nói chuyện ai cũng khâm phục Bác bởi sự am hiểu sâu sắc về truyền thống văn hóa của quê hương. Người nói: “Âm nhạc của dân tộc ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ các câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm, bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên”. Bác luôn nhắc nhở các văn nghệ sĩ phải luôn kế thừa, phát huy tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Càng nghe càng thấm thía những lời dạy của Người: “làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”. Bởi vậy Bác nói “tôi chỉ là người thích văn nghệ thôi, chưa phải là nhà văn nghệ”. Bác nói thế nhưng Bác chính là một nhà thơ vĩ đại, là danh nhân văn hóa của thế giới.

Quả thật, khó có thể lý giải một cách đầy đủ và sâu sắc những ý nghĩa, tầm sâu xa của trí tuệ cũng như sự bao la rộng lớn trong tâm hồn chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiếm có vị lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia nào lại sống một cuộc đời bình dị nhưng lại yêu nghệ thuật và có tâm hồn nghệ thuật phong phú như Bác Hồ của chúng ta. Trước lúc Bác Hồ lâm chung, Người yêu cầu được nghe một làn điệu dân ca xứ Nghệ. Người sinh ra và lớn lên từ lời ru ngọt ngào của mẹ, hành trang người mang theo khắp năm châu bốn bể là khúc hát của quê hương, cuối cùng Người thanh thản nhẹ nhàng ra đi vào cõi vĩnh hằng bằng âm hưởng tiếng hát dân ca sâu lắng. Cả cuộc đời Người sống cho nhân dân, cho dân tộc, không một chút riêng tư, hành trang Người mang theo về thế giới bên kia chỉ là ước muốn bình dị: câu Ví Giặm quê nhà.

Cuộc đời Người đã viết nên những trang sử oai hùng nhất của dân tộc. Một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hi sinh nhưng tâm hồn vô cùng phong phú và đẹp đẽ. Một con người bình dị nhưng cái bình dị lại làm nên kỳ tích. Kỳ tích đó lại nằm trong những khúc hát dân ca.

Lương Vân

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon