55 NĂM NHÌN LẠI MỘT VỞ DIỄN

Ngày 5-8-1964, Đế quốc Mỹ hung hăng dùng không quân đánh phá miền Bắc nước ta. Vinh là một trong những trọng điểm đã diễn ra các trận đánh ác liệt. Những “thần sấm”, “con ma”, biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã bị quân dân thành phố đỏ bắn rơi tan tác ngay từ trận đầu.

Ngày 5-8-1964, Đế quốc Mỹ hung hăng dùng không quân đánh phá miền Bắc nước ta. Vinh là một trong những trọng điểm đã diễn ra các trận đánh ác liệt. Những “thần sấm”, “con ma”, biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ đã bị quân dân thành phố đỏ bắn rơi tan tác ngay từ trận đầu.
Để kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu quả cảm & chiến công oanh liệt của quân & dân thành phố quê hương Bác trong cuộc đụng đầu lịch sử này, Huỳnh Chinh, một nhà viết kịch chuyên nghiệp ở trung ương, đã từ Hà Nội cấp tốc vào Vinh ngay trong những ngày đầu mịt mù khói lửa ấy, để thu thập những cứ liệu sống còn nóng hổi, rồi viết nên vở kịch ngắn “Góp phần chiến thắng”. Xin tóm tắt câu chuyện kịch như sau: Hôm đó, mồng 5 – 8 – 1964, bác T đang trên đường phố về nhà bằng xe đạp, bổng nghe tiếng còi nhà máy điện rú những hồi dài, tiếp đó loa truyền thanh vang lên lời cảnh báo: “Có máy bay địch, mọi người hãy xuống hầm trú ẩn, còn các lực lượng vũ trang hãy sẵn sàng chiến đấu”. Nghe vậy, bác T vội vàng dựng chiếc xe đạp vào một gốc cây bên đường, cuống cuồng nhảy xuống hầm cá nhân dọc hè phố (hầm giống như một cái thùng giếng có nắp đậy). Cùng lúc đó có một anh chiến sĩ pháo binh đang trên đường về quê nghỉ phép, nghe báo động khẩn cấp, anh lập tức quay trở lại trận địa của đơn vị để chiến đấu. Chạy được một quãng, bỗng thấy chiếc xe đạp dựng ở gốc cây, trong tình huống khẩn trương, không kịp nghĩ ngợi, anh vội vàng vớ lấy xe, đạp một mạch về trận địa cùng đồng đội bắn trả máy bay địch. Và rồi chính đơn vị anh đã trực tiếp bắn rơi một máy bay Mỹ trên bầu trời thành phố. Khi trận đánh kết thúc, người chiến sĩ ấy mới sực nhớ đến chiếc xe đạp mà anh đã mạn phép “trưng dụng”, thế rồi anh lại vội vàng lấy xe, đạp một mạch trở ra phố để trả lại cho chủ nhân của nó. Ơ ngoài phố lúc bấy giờ, sau hồi còi báo yên, bác T chui lên khỏi hầm trú ẩn, nhìn vào gốc cây thì chẳng thấy chiếc xe của mình đâu nữa, ông hốt hoảng chạy quanh tìm kiếm. May sao gặp cô V, một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trên phố. Bác T trình bày về sự việc chiếc xe đạp của mình bị mất cắp. Cô cảnh sát nghe vậy vô cùng bực tức, cô tự thấy mình phải có trách nhiệm truy tìm cho ra kẻ trộm cắp chiếc xe ấy để trao trả lại cho bác T. Vừa lúc đó, người pháo thủ kia cũng vừa đạp xe tới “hiện trường”. Thấy bác T và cô V đang loay hoay tìm kiếm chiếc xe bị “mất tích” (hồi đó chiếc xe đạp là tài sản qúy giá của mọi người). Anh cảm thấy ngượng ngùng và vô cùng ân hận. Anh thành thực xin lỗi hai người và từ tốn trình bày sự thể việc tự tiện chiếm dụng chiếc xe … Nghe vậy, người pháo thủ ấy không những không bị bác T quở trách mà còn tỏ lòng cảm phục tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ pháo binh Việt Nam đã lập được chiến công đầu xuất sắc. Cô cảnh sát cũng rất cảm thông và chia sẻ với anh, mà nói rằng: Chính chiếc xe đạp bác T cũng đã góp phần làm nên chiến thắng.
Chuyện kịch chỉ có vâỵ, xem ra rất đơn giản, không có những xung đột về tính cách, không có những tình huống éo le, những trớ trêu của số phận, những ngang trái cuộc đời… Chỉ là những tình tiết sống động từ hiện thực, được tác giả khái quát thành chuyện kịch, như bản anh hùng ca trong trận đầu đánh Mỹ.
Vở kịch này đã được đạo diễn Thái Quang Ngoạn dàn dựng cho Đoàn Kịch Nghệ An. Đây là tiết mục chủ công trong chương trình biểu diễn của đoàn tại các trận địa phòng không trong tỉnh suốt những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Có lần đoàn Văn công đang diễn giữa chừng vở kịch này tại một đơn vị pháo 37 ly ở Quỳnh Trang- Quỳnh Lưu thì có lệnh báo động, từ hướng Đông xuất hiện hai chiếc máy bay do thám của địch, các pháo thủ triển khai đội hình chiến đấu, còn văn công thì rút xuống hầm chờ đợi. Khi máy bay đi vào toạ độ x, khẩu lệnh chỉ huy lập tức phát ra: Bắn! Cờ hiệu cũng phất lên liên tục, thế là pháo ta đồng loạt nhả đạn, lưới lửa ken dày vây quanh mục tiêu. Lúc này các nghệ sĩ cũng lao ra khỏi hầm, hối hả tiếp đạn cho các pháo thủ bắn chặn đầu chặn đuôi, không cho chúng nó thoát. Thế rồi một chiếc trúng đạn bốc cháy, lảo đảo rơi tại chỗ. Tiếng hô reo vang động cả một vùng. Văn công ai nấy mặt còn son phấn chưa kịp tẩy trang, cũng cuống cuồng chạy theo hướng dù rơi để đuổi bắt giặc lái. Chạy được một quãng thì gặp phải con sông lạch, không làm sao qua được. Nhưng rồi quân dân bên kia sông cũng đã đón bắt được tên giặc lái, ai cũng hả lòng hả dạ. Các nghệ sĩ trở lại trận địa tiếp tục biểu diễn, mà lòng rạo rực niềm vui vì đã có công góp phần chiến thắng – Đúng như tựa đề vở diễn. Sân khấu và cuộc đời sao mà có sự trùng hợp đến lạ kỳ như huyền thoại vậy!
55 năm đã trôi qua, Thành Vinh hôm nay đã có những đổi thay kỳ diệu, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Tuy vậy, sự kiện mồng 5 tháng 8 mãi mãi vẫn là dấu son trong cuộc đụng đầu với không lực Hoa Kỳ. Song hành với sự kiện ấy là dấu ấn về một vở diễn – một bản anh hùng ca , ngợi ca tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam ./.
ThanhLưu

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon